Nhật Bản không chỉ được biết đến với cảnh đẹp mê hồn người, mà còn chinh phục trái tim biết bao người nhờ văn hóa ẩm thực đặc sắc. Trong đó không thể thiếu món bánh mochi dẻo thơm ngon nổi tiếng. Các cách làm bánh mochi đúng chuẩn kiểu Nhật Bản trong bài viết sau đây sẽ giúp bạn tự làm được món ăn này tại nhà cho người thân yêu.
Contents
Bánh mochi Nhật Bản là loại bánh gì?
Bánh mochi là món bánh nhân ngọt truyền thống của Nhật Bản, được làm từ bột gạo nếp tạo độ dẻo dai và thơm ngon. Món bánh này được người dân coi như vật phẩm để dâng lên thần linh nhằm ý nghĩa cầu mong may mắn. Bánh mochi cơ bản nhất là loại bánh trắng không nhân, nặn thành hình tròn nhỏ bằng lòng bàn tay.
Nguyên liệu chính làm bánh mochi từ một loại gạo nếp hạt ngắn của Nhật tên là mochigome. Cách làm bánh mochi sẽ xay gạo nếp mochigome thật nhuyễn rồi pha với nước thành bột nhão. Bột gạo được nhồi thêm nhân và nặn thành hình dạng mong muốn rồi nấu chín. Các loại nhân bánh mochi phổ biến nhất hiện nay là đậu đỏ, trà xanh, socola, kem,… Đây cũng là món tráng miệng thuần chay dễ ăn dành cho mọi người.
Là loại bánh truyền thống, nên cách làm bánh mochi của người Nhật cũng rất đa dạng. Có đến 9 loại mochi khác nhau với các tên gọi cụ thể:
- Daifuku Mochi: Vỏ bột gạo nếp nhồi nhân bột đậu ngọt.
- Mochi Sakura: Vỏ bánh màu hồng nhạt, hơi sần sùi, nhân bằng đậu đỏ hoặc đậu trắng, bánh được quấn bằng một chiếc lá anh đào.
- Warabi Mochi: Bánh làm bằng tinh bột cây warabi (vùng nước lợ).
- Botamochi/Ohagi: Nhân bánh bằng bột đậu đỏ mịn, vỏ bánh nguyên hoặc phủ bột kinako, bột trà xanh, rong biển, vừng nghiền.
- Kuzumochi: Làm từ tinh bột của cây kuzu Nhật Bản, không có gluten và thuần chay. Bánh được phủ bột kinako hoặc siro.
- Kusamochi: Làm từ bột gạo nếp và cây yomogi nên có màu xanh, có đốm lá của loài cây này.
- Hishimochi: Bánh mochi có hình thoi hoặc kim cương. Bánh có 3 lớp màu hồng, xanh lá và trắng, được đi kèm với búp bê Hina trong mùa lễ hội Hinamatsuri. Loại mochi này đại diện cho “ngày của các cô gái” nên có hình dáng rất đáng yêu.
- Hanabira Mochi: Bánh có hình dạng phẳng độc đáo, được gấp đôi và kẹp giữa một cây que nhỏ.
- Kirimochi/Marumochi: Bánh mochi không đường, được gói ở dạng khối khô cứng, dùng để nấu ăn.
Bánh mochi bao nhiêu calo?
Một viên mochi nhân kem có kích thước trung bình thường chứa 56 calo. Trong đó, carbohydrate chiếm khoảng 13g, đường 5g, protein 0,6g và chất béo 0,1g.
Tùy vào loại nhân làm bánh khác nhau, mà lượng calo của các loại bánh mochi cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, do món bánh này có trọng lượng khá nhỏ, nên lượng calo giữa các loại cũng không chênh lệch đáng kể.
- 1 chiếc mochi nhân phomai có lượng calo cao nhất là: 75 calo.
- 1 chiếc mochi nhân dừa: 67 calo.
- 1 chiếc mochi nhân trà xanh, việt quất, sầu riêng: 50 – 60 calo.
Ăn bánh mochi có béo không?
Với nguyên liệu chính từ bột gạo và nhân từ các loại hạt đậu, bánh mochi là món ăn nhẹ hợp với những người ăn chay và không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu giảm cân. Như đã nói ở trên, một chiếc bánh mochi chỉ chứa 50 – 70 calo. Nếu chỉ ăn 1 – 2 chiếc bánh mochi để tráng miệng thì không gây béo vì lượng calo chỉ chiếm 1 phần nhỏ với số calo cần thiết trong 1 ngày (khoảng 2000 calo). Tuy nhiên, nếu ăn nhiều bánh mochi trong ngày, khoảng 10 cái trở lên thì lại có thể gây dư thừa calo và lâu ngày sẽ dẫn đến béo phì.
Bên cạnh đó, các loại nhân bánh mochi cũng khá ngọt, lượng carbohydrate cao dễ gây ra bệnh tiểu đường. Vì vậy, chỉ nên ăn một lượng mochi vừa phải để tráng miệng, không nên ăn nhiều bánh trong thời gian dài, hay ăn bánh để thay thế cho một bữa ăn. Có thể ăn bánh mochi uống kèm nước trà xanh để đẩy mạnh quá trình tiêu thụ carb và calo trong bánh. Đồng thời, kết hợp với vận động thể dục hợp lý để duy trì vóc dáng thon gọn.
Hướng dẫn cách làm bánh mochi đúng chuẩn Nhật Bản ngay tại nhà
Cách làm vỏ bánh mochi
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Bột gạo nếp: 110g;
- Bột gạo tẻ: 20g;
- Đường: 45g;
- Dầu thực vật: 10g;
- Bột nếp rang chín: 1,5 thìa cà phê;
- Đường xay: 1,5 thìa cà phê;
- Nước;
- Nếu muốn làm vỏ bánh trà xanh thì thêm bột trà xanh: 15g.
Cách thực hiện:
- Rây bột gạo và đường vào tô. Đổ 100ml nước và dầu thực vật vào rồi dùng phới trộn cho đến khi bột tan. Lọc lại qua rây để loại bỏ lợn cợn. (Với vỏ trà xanh thì cho bột trà xanh vào rây cùng).
- Cho hỗn hợp bột vào nồi quấy ở lửa nhỏ cho đến khi bột chín. Phải khuấy đều tay và liên tục để bột không bị vón cục hay bị khê. Nếu thấy bột bị vón, thì bắc nồi xuống và khuấy liên tục để bột tan ra. Sau đó lại cho nồi lên bếp đun lửa nhỏ nhất và khuấy cho đến khi bột chín.
- Đổ bột chín ra tô và để nguội. Dùng dao sắc để chia bột thành các phần khoảng 27 – 29g.
Cách làm nhân bánh mochi
Nguyên liệu chuẩn bị:
Bánh nhân đậu xanh:
- Đậu xanh đãi sạch vỏ: 50g;
- Nước cốt dừa: 20g;
- Dầu thực vật: 5g;
- Đường: 20 – 25g.
Bánh nhân đậu đỏ:
- Đậu đỏ: 150g;
- Nước cốt dừa: 20g;
- Đường: 20 – 50g;
- Muối hạt.
Bánh nhân trà xanh:
- Bột trà xanh: 3g;
- Kem tươi: 120ml;
- Sữa đặc: 45g.
Bánh nhân socola:
- Socola đen: 1/2 cốc;
- Whipping cream: 60g;
- Muối: 2g.
Cách chế biến:
Với nhân đậu xanh: Ngâm đậu xanh qua đêm cho mềm rồi rửa sạch, hấp chín đậu rồi xay nhuyễn. Cho đậu xanh vào chảo trộn thêm nước cốt dừa, đường và dầu ăn, sên ở lửa nhỏ nhất cho đến khi nhân đặc lại, dẻo quánh và không bị dính chảo là được. Để đậu xanh nguôi rồi chia thành phần nhỏ vo tròn lại.
Với nhân đậu đỏ: Ngâm đậu đỏ trong 1 – 2 tiếng cho mềm ra rồi rửa sạch. Cho đậu vào nồi với nước cốt dừa và nước lọc nấu chín kỹ. Khi đậu chín, để nguội bớt rồi nghiền cho nhuyễn. Trong khi nghiền đậu, cho thêm 1 ít vani, đường và muối cho nhân đậm vị. Khi nhân đậu đỏ đã quyện và quánh lại thì chia thành phần nhỏ và vo tròn lại.
Với nhân kem trà xanh: Cho kem tươi, bột trà xanh đã rây và sữa đặc vào tô rồi đánh cho đến khi bông. Chia nhân kem vào các khuôn nhỏ và bọc kín, để trong ngăn đá từ 1 – 2 tiếng để kem đông lại.
Với nhân socola: Cho socola, whipping cream và muối vào tô rồi trộn đều cho đến khi hỗn hợp có độ mịn. Chia nhân vào từng khuôn nhỏ và bọc kín lại, để trong ngăn đá cho đến khi đông cứng hoàn toàn.
Nặn bánh mochi
Trộn bột nếp rang chín và đường trắng xay để làm phần bột áo.
Khi bột bánh còn âm ấm thì bắt đầu nặn bánh. Lót một miếng giấy bóng kính mỏng rồi cho viên bột vào giữa. Dùng một miếng giấy bóng khác ép cho bột dẹt ra, rồi đặt nhân vào giữa, gói bột lại và vê tròn. Lăn bánh qua lớp bột áo rồi phủi nhẹ cho sạch bột thừa. Làm tương tự với những chiếc bánh còn lại.
Bánh mochi nặn xong thì xếp vào khay đậy kín và để ở nơi khô mát. Có thể để bánh vào ngăn mát tủ lạnh trong 20 phút để bánh khô và mát nhanh hơn. Không nên để bánh trong tủ lạnh quá lâu sẽ khiến bánh bị khô cứng ăn không ngon.
Một số lưu ý khi làm mochi
Một số điều bạn cần lưu ý khi làm bánh mochi tại nhà:
- Không thay bột gạo tẻ bằng bột mì hay bột năng. Nếu không có bột gạo tẻ thì dùng bột gạo nếp cũng được.
- Khi làm vỏ bánh, cần phải đảm bảo vỏ chín, nấu bột với lửa nhỏ nhất và khuấy đều tay. Nếu bột bị sống sẽ ăn không ngon và không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Bánh mochi chỉ nên dùng trong vài ngày, không để lâu, không bảo quản trong tủ lạnh vì sẽ làm bánh bị cứng, sượng bột.
Cách bảo quản bánh mochi
Bánh mochi sau khi làm xong có thể ăn ngay. Nhưng nếu không ăn hết thì có các cách để bảo quản bánh như sau:
- Có thể để mochi trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh. Thời hạn để bánh mochi trong ngăn mát là 3 ngày, còn ngăn đông là 10 ngày.
- Bánh mochi để ở nhiệt độ phòng thì nên sử dụng trong 8 – 10 tiếng.
- Khi lấy bánh ra khỏi tủ lạnh, nên chờ 20 phút (mùa hè) và 40 phút (mùa đông) để vỏ bánh trở về trạng thái mềm dẻo. Khi bánh đã mềm thì không cấp đông trở lại.
Trên đây là các cách làm bánh mochi với các loại nhân phổ biến nhất có thể tự chế biến ngay tại nhà. Ngoài ra, nên tham khảo sử dụng bánh mochi với các loại trà, thực phẩm chức năng giúp chuyển hóa đường đang có bán đầy đủ tại hệ thống Nhà thuốc Long Châu để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do ăn nhiều đồ ngọt.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp