Bên cạnh món chè bưởi truyền thống, chè bưởi cốm dừa không chỉ mang lại vị thơm ngon hấp dẫn mà còn rất đẹp mắt. Từng miếng cùi bưởi trong veo, xanh như ngọc, giòn tan, không còn chút đắng nào được kết hợp với cốm dẻo mềm lẫn cơm dừa non ngầy ngậy giúp mâm lễ cúng Rằm tháng 7 thêm đủ đầy, nịnh mắt.
Công thức chè bưởi cốm dừa non dưới đây là bí quyết của chị Tạ Thùy Giang (31 tuổi) sống tại Hà Nội. Ngoài những bước cơ bản, chị Giang cũng chia sẻ những bí quyết riêng trong quá trình nấu để cho ra được thành phẩm bát chè cực kỳ đẹp mắt, hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Hướng dẫn nấu chè bưởi cốm dừa
Nguyên liệu cần thiết nấu chè bưởi cốm dừa
– Cùi bưởi lá dứa: 1 quả bưởi da xanh to không quá non hay quá già, 40g lá dứa + 200ml nước, 200g bột năng, 80g đường, 20g muối + 500ml nước ngâm cùi khử đắng.
– Dừa non sên đường: 200g cùi dừa non (không chọn cùi quá non sẽ không có độ giòn, quá già ăn sẽ bị bã), 40g đường.
– Cốt chè cốm: 2l nước, 5 lá dứa, 300g đường trắng hoặc đường phèn, 1g muối, 120g bột năng + 160ml nước, 150g cốm khô (hoặc 250g cốm tươi).
– Nước cốt dừa ăn kèm: 200ml nước + 3 lá dứa, 200ml sữa tươi không đường, 300ml nước cốt dừa, 60g đường, 1g muối, 20g bột năng.
Cách thực hiện chè bưởi cốm dừa
Làm cùi bưởi lá dứa:
– Dùng dao tách lấy vỏ bưởi, gọt sạch phần vỏ xanh chứa nhiều tinh dầu. Bỏ bớt phần xơ và cùi mềm bên trong, chỉ giữ lại phần cùi cứng chắc. Thái hạt lựu. Ướp cùi với nước muối thật mặn ít nhất 2 giờ (có thể ngâm qua đêm trong tủ lạnh để hôm sau làm cho tiện).
Ngâm đến khi cùi hơi trong, mang bóp cùi thật kỹ với nước muối rồi vắt sạch phần nước muối đi. Nếu không ngâm với muối trước, bạn sẽ phải bóp với muối nhiều lần để loại bỏ vị đắng. Tiếp tục bóp xả cùi với nước lọc từ 7-10 lần đến khi nếm thử thấy chúng hết đắng.
– Lá dứa ngâm 10 phút với nước nóng để khử đắng. Sau đó, xay lá dứa với nước để lọc lấy nước cốt. Thêm đường, có thể thêm một giọt màu thực phẩm xanh vào nước cốt lá dứa để có màu đẹp hơn. Đun cho đường tan thì tắt bếp (không nấu sôi). Đổ phần nước đường lá dứa vào cùi bưởi đã bóp, trộn đều cho cùi ngấm nước đường. Đổ phần nước dư thừa đi.
– Cho 1/2 số bột năng vào phần cùi bưởi đã ngậm đường. Bóp đến khi bột ngấm hết vào cùi. Cho tiếp số bột năng còn lại vào nhồi đến khi thấy cùi cứng hơn, lúc đó cùi ngậm đủ bột là được.
– Chuẩn bị một nồi nước sôi, thả cùi bưởi vào luộc. Khuấy đều để cùi không bị dính vào nhau. Luộc từ 3-5 phút là được. Vớt cùi ra bát nước lạnh, ngâm khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo. Với cách làm cùi bưởi này, dù để tủ lạnh 3-4 ngày ăn vẫn sẽ ngon và giòn như mới nấu.
Làm dừa non sên đường:
– Cơm dừa non mang gọt sạch vỏ lụa, thái sợi dày 3-5mm. Đun nồi nước sôi, mang chần qua cơm dừa khoảng 2-3 phút để loại bỏ sạch phần dầu dừa. Làm như vậy cũng giúp tăng thời gian bảo quản cho chè lâu hơn.
– Vớt dừa ra, để ráo, ướp cùng với đường ít nhất 30 phút cho ngấm. Sau khi ướp đường, sên dừa ở lửa vừa, đảo đều liên tục. Đến khi sợi dừa hơi trong, dừa ráo là được. Phần dừa non sên đường này có thể làm trước để tủ lạnh. Theo chị Thùy Giang, phần dừa sên này có thể bảo quản tủ mát được 1 tuần, cấp đông khoảng 1 tháng.
Làm cốt chè cốm:
– Cho vào nồi nước, đường, lá dứa, 1 giọt màu thực phẩm màu xanh, muối và bật bếp ở lửa vừa. Pha bột năng với nước, khuấy đều cho tan bột. Cho nước bột năng vào nồi nước đường, vừa cho vừa khuấy đều để bột không bị vón. Khuấy đều đến khi bột sánh lại thì giảm lửa nhỏ. Bí quyết của chị Giang ở công đoạn này là vừa nấu vừa khuấy kỹ bột để giúp chè không bị vữa và chảy nước khi để lạnh.
– Rửa cốm khô với nước, sau đó cho luôn vào nồi nước chè. Cho cùi bưởi đã luộc vào. Cho dừa non sên đường vào. Để chè nguội ít nhất 1 giờ trước khi dùng để cốm nở mềm. Sau đó, khuấy đều chè lần nữa để các nguyên liệu không bị chìm xuống đáy.
Làm nước cốt dừa ăn kèm:
– Cho lá dứa cắt nhỏ vào nồi nấu cùng nước, sôi thì cho nhỏ lửa. Sau đó, vớt bỏ lá dứa. Cho vào nước lá dứa đường, sữa, cốt dừa, muối, bột năng, khuấy đều cho tan bột. Cho lên bếp nấu ở lửa vừa, khuấy đều liên tục để nước cốt dừa sánh lại, để nguội trước khi dùng.
Công thức nấu chè bưởi cốm dừa của chị Giang hiện tại vẫn được nhiều chị em áp dụng và lan tỏa không ngừng. Hãy thêm màu sắc và hương vị ngọt dịu, thơm hấp dẫn của món chè này vào mâm cỗ của bạn nhé.
Chúc bạn thành công!