Bánh Trung Thu nhân dừa là một trong những loại nhân bánh được nhiều người yêu thích bên cạnh nhân khoai môn, nhân đậu xanh, nhân thập cẩm… Loại bánh này mang đến mùi thơm ngọt của dừa, cùng với vị mặn, bùi của trứng muối khiến cho người dùng ăn mãi không chán. Trong bài viết này, Dạy Làm Bánh Á Âu (DLBAAu) sẽ hướng dẫn các bạn cách làm bánh Trung Thu nhân dừa đơn giản, dễ làm để ăn cùng với gia đình.
Sữa dừa là một trong những loại nhân bánh Trung Thu được nhiều người yêu thích (Ảnh: Internet)
Contents
Cách làm bánh Trung Thu nhân dừa, sữa đơn giản
Chuẩn bị nguyên liệu
Một số nguyên liệu để làm nhân sữa dừa (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu làm nhân sữa dừa
- 400g dừa khô bào sợi
- 150g sữa đặc
- 150ml nước cốt dừa
- 60g bột bánh dẻo
- 50g hạt dưa
- 50g hạt mè
- 1 muỗng café vani
- Trứng muối
Nguyên liệu làm bánh Trung Thu nhân sữa dừa
- 300g bột mì đa dụng
- 210g nước đường
- 70ml dầu ăn
- 1 quả trứng
- 1 bịch sữa tươi không đường
- 1 muỗng café dầu mè
- Khuôn bánh Trung Thu lò xo
Cách làm bánh Trung Thu nhân dừa
Làm nhân sữa dừa
Trộn dừa
Dừa khô nạo sợi các bạn trộn với sữa đặc và ngâm trong khoảng 45 phút (Ảnh: Internet)
Dừa khô và sữa đặc bạn cho vào một tô lớn rồi trộn đều, để dừa ngâm trong sữa khoảng 45 phút. Bạn có thể thêm một ít nước cốt dừa vào tô nếu thấy hỗn hợp quá khô.
Sên dừa
Bạn bắc chảo lên bếp và đun sôi 150ml nước cốt dừa trên lửa lớn, sau đó cho hỗn hợp dừa khô bào sợi và sữa đặc vào. Tiếp đó bạn hạ nhỏ lửa, sên dừa cho tới khi khô nước, dừa se lại thì tắt bếp.
Bạn cho lần lượt hạt dưa, mè rang, bột bánh dẻo cùng vani vào chảo, dùng phới dẹt hoặc dùng tay trộn đều cho các nguyên liệu quyện lại rồi để nguội.
Hoàn thành và thành phẩm
Các bạn vo viên phần nhân sữa dừa để chuẩn bị làm bánh (Ảnh: Internet)
Sau khi nhân sữa dừa đã nguội, các bạn chia nhân thành những phần bằng nhau rồi vo viên lại. Nếu muốn ăn bánh Trung Thu với nhân trứng muối, các bạn đem nướng phần trứng muối đã chuẩn bị, sau đó cho vào giữa phần nhân sữa dừa đã ấn dẹt và gói lại.
Làm bánh Trung Thu nhân sữa dừa
Trộn bột bánh Trung Thu
Trộn bột thật kỹ đến khi bột mịn, dẻo
Các bạn cho bột mì đa dụng, nước đường nướng bánh và dầu ăn vào tô lớn. Sau đó các bạn dùng phới dẹt hoặc dùng tay nhồi bột thật kỹ cho đến khi các nguyên liệu hòa vào nhau tạo thành khối bột mịn, dẻo. Tiếp đó bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc bột lại và để bột nghỉ trong vòng 30 – 45 phút.
Bọc bánh
Bạn chia khối bột thành những phần bằng nhau sao cho phần bột vỏ bánh lớn hơn phần nhân bánh rồi vo tròn lại. Sau đó bạn rắc một chút bột khô lên mặt bàn và đặt viên bột lên, dùng tay hoặc dùng cây cán bột cán phẳng viên bột. Các bạn lưu ý không cán bột mỏng quá sẽ làm cho vỏ bánh bị rách và làm lộ nhân bên trong.
Sau đó các bạn cho viên nhân bánh vào giữa phần bột đã cán, dùng tay gói cẩn thận sao cho phần vỏ bột bao trọn phần nhân. Khi gói xong các bạn dùng tay vê tròn viên bánh lại và đặt riêng một chỗ rồi tiếp tục gói bánh lại cho đến hết phần nguyên liệu đã chuẩn bị.
Đóng bánh
Cho bánh vào khuôn và ấn nhẹ để tạo hình bánh
Bạn quét 1 lớp dầu ăn vào khuôn bánh rồi cho viên bánh vào. Tiếp đó bạn rắc một ít bột bánh lên bàn rồi đặt khuôn lên, dùng tay ấn lò xo xuống nhẹ nhàng để tạo hình bánh rồi nhấc khuôn lên. Bạn tiếp tục làm như vậy đến hết các viên bánh còn lại.
Nướng bánh
Sau khi nướng bánh lần 1, các bạn lấy bánh ra để nguội và phết 1 lớp trứng gà lên mặt bánh (Ảnh: Internet)
Bạn bật lò nướng ở nhiệt độ 180oC trước 10 phút, sau đó cho bánh Trung Thu vào nướng lần 1 trong vòng 10 phút.
Trong thời gian chờ đợi, bạn cho vào chén nhỏ 1 lòng đỏ trứng gà, 1 muỗng café sữa tươi không đường, 1 muỗng café dầu mè, 10g nước đường nướng bánh cùng ½ lòng trắng trứng rồi dùng muỗng trộn đều.
Sau khi nướng xong lần 1, các bạn lấy bánh ra xịt nước đều lên mặt bánh và để bánh nguội hẳn trong vòng 15 – 20 phút, tiếp đến các bạn dùng cọ phết đều hỗn hợp trứng gà ra khắp mặt bánh. Các bạn cho bánh vào lò nướng tiếp lần 2 trong vòng 10 phút ở nhiệt độ 165oC.
Sau thời gian trên, bạn lấy bánh ra xịt nước lên và để từ 15 – 20 phút cho bánh nguội. Bạn cũng quét hỗn hợp trứng lên bánh và cho vào lò nướng lần 3 ở nhiệt độ 165oC trong vòng 5 – 7 phút.
Hoàn thành và thưởng thức
Bánh Trung Thu sữa dừa sau khi nướng xong có màu vàng nâu rất đẹp (Ảnh: Internet)
Bánh sau khi nướng xong sẽ có màu nâu vàng rất đẹp cùng với hoa văn rõ nét. Phần nhân bánh thơm mùi sữa dừa béo béo ngọt ngọt cùng với phần vỏ bánh mềm tan sẽ khiến cho người ăn mãi không chán.
Lưu ý khi làm bánh Trung Thu nhân sữa dừa
- Khi nhồi bột, bạn tránh nhồi bột quá lâu sẽ khiến cho vỏ bánh bị chai, khó tạo hình.
- Khi bọc bánh, nếu thấy phần vỏ không áp sát vào nhân, các bạn hãy dùng tăm châm nhẹ vào những chỗ này rồi dùng tay miết lại cho kín để tránh trường hợp bánh sẽ bị phồng lên sau khi nướng.
- Các bạn chỉ nên phết một lớp trứng mỏng, vì nếu phết nhiều bánh sẽ bị mất đi phần hoa văn trên mặt bánh.
- Các bạn cũng nên đợi cho bánh nguội hẳn rồi mới phết trứng lên mặt bánh, vì nếu phết lúc còn nóng sẽ gây ra hiện tượng lợn cợn ở mặt bánh.
- Không nên nướng bánh quá lâu vì sẽ khiến bánh bị khô, nứt.
- Nhân sữa dừa không để được lâu, vì vậy các bạn nên sử dụng bánh càng sớm càng tốt nếu để trong nhiệt độ phòng.
- Nếu muốn mang bánh tặng cho người khác, các bạn cho vào hộp kèm gói hút ẩm và hàn kín miệng, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản trước khi đem tặng.
Hy vọng với bài viết hướng dẫn cách làm bánh Trung Thu nhân dừa trên đây của Dạy Làm Bánh Á Âu, các bạn sẽ có thể làm được những chiếc bánh Trung Thu thơm ngon để thưởng thức cùng với gia đình dịp Trung Thu này. Nếu muốn học thêm nhiều cách làm bánh Trung Thu khác hoặc muốn trở thành một thợ làm bánh chuyên nghiệp, các bạn hãy liên hệ ngay tới số tổng đài 1800 6148 hoặc 1800 2027 của DLBAAu hoặc điền vào form bên dưới để được tư vấn nhanh chóng và miễn phí nhé!