Papparoti còn có tên gọi khác là “Mexican Coffee Buns”. Món bánh này có nguồn gốc từ Mexico và phổ biến ở Malaysia. Bánh Papparoti có lớp vỏ ngoài màu vàng nâu mềm mịn, cốt bánh giòn xốp vị ngọt béo, hương thơm phức mùi bơ và cà phê làm say đắm biết bao người mê đồ ngọt. Cách làm bánh Papparoti cũng rất đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà bằng những phương pháp sẽ được bật mí dưới đây.
Contents
Nguồn gốc ra đời của bánh Papparoti
Papparoti là một loại bánh mì nổi tiếng có nguồn gốc từ Mexico, nhưng lại được biết đến nhiều ở Malaysia – nơi được coi như “thiên đường bánh ngọt” của khu vực Châu Á. Bánh Papparoti được làm từ những nguyên liệu chủ yếu là bột mì, bơ, sữa, cà phê và phô mai. Nhờ đó mà món bánh này cũng sở hữu hương thơm vô cùng hấp dẫn và khó cưỡng, nhất là lúc những chiếc bánh nóng giòn vừa mới ra lò.
Sau khi du nhập vào Việt Nam, bánh Papparoti được biến tấu một chút về hương vị để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Hiện nay, có 4 vị bánh Papparoti phổ biến là vị bơ mặn, vị bơ ngọt, vị socola và vị trà xanh.
Bánh Papparoti chứa bao nhiêu calo?
Lượng calo trong bánh Papparoti phụ thuộc vào thành phần nguyên liệu, kích thước, khối lượng, cũng như cách làm bánh Papparoti của riêng từng người. Thông thường, 1 chiếc bánh Papparoti đúng chuẩn cần có 3 phần là vỏ bánh, nhân bánh và lớp phủ cà phê. Với các thành phần nguyên liệu chủ yếu, các chuyên gia dinh dưỡng đã tính ra hàm lượng calo trung bình trong 1 chiếc bánh Papparoti là khoảng 180 – 200 kcal. Bên cạnh đó, hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g bánh Papparoti sẽ bao gồm: 200 calo, 42% tinh bột, 52% chất béo và 6% chất đạm.
Ăn bánh Papparoti có bị béo không?
Dựa vào lượng calo trong 1 chiếc bánh Papparoti có thể thấy, nếu chỉ ăn 1 chiếc bánh mỗi ngày thì lượng calo không chiếm quá nhiều so với mức cơ thể cần (chỉ 1/10). Vì vậy, ăn bánh Papparoti sẽ không bị béo. Tuy nhiên, các thành phần chủ yếu làm bánh lại từ tinh bột, đường, trứng, sữa, bơ đều là những thực phẩm có nguồn năng lượng dồi dào dễ dư thừa và tích tụ gây tăng cân, béo phì, bệnh tiểu đường.
Bánh Papparoti để lâu được không?
Do có nguyên liệu tươi sống, nên bánh Papparoti sẽ không thể để quá lâu. Theo các thợ làm bánh chuyên nghiệp, bánh Papparoti chỉ nên để từ 1 – 2 ngày sau khi bánh nướng ra lò. Nếu không ăn hết, có thể bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn tiếp, chỉ cần cho bánh vào lò nướng hoặc lò vi sóng khoảng 5 phút là có thể thưởng thức.
Cách làm bánh Papparoti chuẩn vị, ăn không béo
Công thức làm bánh Papparoti truyền thống
Nguyên liệu làm bánh:
Phần vỏ bánh:
- Bột mì: 270g;
- Đường mịn: 40g;
- Muối: 3g;
- Men nở: 5g;
- Sữa tươi không đường: 120ml;
- Sữa bột: 15g;
- Trứng gà: 1 quả;
- Bơ: 40g.
Phần nhân bánh:
- Bơ mặn: 80g;
- Đường: 30g;
- Vani: 1/2 muỗng cà phê.
Phần phủ cà phê:
- Bơ: 35g;
- Đường mịn: 40g;
- Sữa bột: 10g;
- Trứng gà: 1/2 quả;
- Cà phê đậm đặc: 1 gói 10mg.
Cách làm bánh:
Bước 1: Nhào bột bánh
Hòa men nở với nước ấm và khuấy đều, đổ sữa tươi vào khuấy cùng. Cho vào tô 270g bột mì, 40g đường và 1/2 thìa cà phê muối và đổ hỗn hợp trên vào, khuấy đều cho đến khi bột đặc lại và thấm hết nước thì đập trứng vào. Nhào bột thật mịn dẻo trong 15 phút đến khi bột không dính tay, thì cho bơ vào và tiếp tục nhào. Hỗn hợp bột sau khi nhào cần độ dai, dẻo và mịn là đạt. Vo tròn bột bỏ vào tô và bọc kín, ủ bột trong 1 giờ để bột nở hết. Sau đó, lấy bột ra, ấn cho bớt bọt khí. Chia bột thành các viên nhỏ khoảng 60g rồi vo tròn lại để trong 10 phút.
Bước 2: Trộn nhân và tạo hình bánh
Cho vào tô 80g bơ mặn, vani và 30g đường trộn đều cho đến khi mịn. Lấy lượng nhân vừa phải bỏ vào chính giữa viên bột rồi nặn tròn kín miệng bánh để nhân không bị chảy ra ngoài. Đặt bánh vào khay có lót giấy nến, ủ từ 1 – 1,5 tiếng cho bánh nở.
Bước 3: Trộn lớp phủ, nướng bánh
Đổ vào tô 40g đường, 35g bơ đánh đều cho tan. Thêm trứng vào và trộn đều. Cho các nguyên liệu còn lại vào tô và khuấy cho đến khi hỗn hợp mịn và hòa quyện với nhau. Đổ hỗn hợp vào túi vắt kem. Vắt phần kem theo hình xoắn óc từ trong ra ngoài bề mặt bánh. Cho khay bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong vòng 15 phút là được. Bánh Papparoti chín sẽ có màu vàng nâu đậm, thơm mùi cà phê và bơ. Khi ăn thì nhân bánh thơm nồng mùi bơ và lớp vỏ bánh giòn tan đưa miệng.
Cách làm bánh Papparoti ăn kiêng
Nguyên liệu chuẩn bị:
- Bột mì: 335g;
- Bột cà phê hòa tan: 1 thìa;
- Bơ lạt: 55g;
- Men nở: 5g;
- Trứng gà: 60g;
- Phô mai con bò cười: 60g;
- Sữa tươi không đường: 100ml;
- Đường ăn kiêng: 75g;
- Muối: 1/2 thìa cà phê;
- Dầu ăn: 1 thìa.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đun ấm sữa tươi không đường, đổ men nở vào khuấy đều rồi để yên trong 10 phút. Sau đó, cho 1/2 quả trứng, bơ đã được đun chảy, 300g bột mì và 2 thìa dầu ăn vào trộn đều cho đến khi các nguyên liệu được kết dính.
- Bước 2: Dùng máy trộn bột để đánh bột bánh đến khi thành khối dẻo mịn và có độ đàn hồi tốt là được. Ủ bột trong vòng 1 tiếng.
- Bước 3: Pha nước nóng cùng bột cà phê. Trộn đều bơ và đường trong tô khác, đánh cho hỗn hợp bông mịn và có màu vàng nhạt. Cho phần trứng còn lại, 10ml sữa tươi không đường và hỗn hợp cà phê vào trộn đều. Cho 35g bột mì vào khuấy cùng cho đến khi hỗn hợp sánh mịn thì cho vào túi vắt kem để trong ngăn mát tủ lạnh.
- Bước 4: Sau khi ủ bột lần 1, thì lấy ra nhào sơ để ép hết khí ra ngoài. Chia bột thành các phần bằng nhau và vo tròn. Phủ lên trên 1 lớp khăn kín và để bột nghỉ. Sau 10 phút, cán mỏng bột và cho phô mai vào giữa vỏ bánh rồi vo tròn.
- Bước 5: Làm nóng nồi chiên không dầu trước 10 phút ở nhiệt độ 180 độ C. Lấy túi kem bơm phủ lên 1/3 bề mặt bánh. Đặt bánh lên khay lót bằng giấy nến rồi nướng ở nhiệt độ 160 độ C trong 15 phút. Tắt nồi chiên và lấy bánh ra thưởng thức.
Cách ăn bánh Papparoti không lo béo
Ăn nhiều bánh ngọt như Papparoti hoàn toàn có thể gây béo phì. Tuy nhiên vẫn có cách để hạn chế điều này, đó là chỉ ăn bánh Papparoti vào bữa sáng, thay vì ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ. Một tuần chỉ nên ăn bánh 1 – 2 lần. Nếu bánh to, có thể chia nhỏ thành nhiều lần ăn, hoặc chia sẻ với người thân và bạn bè. Việc này giúp bạn kiểm soát được lượng bánh nạp vào cơ thể.
Bên cạnh đó, nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, xây dựng thực đơn bữa ăn hợp lý và đủ dinh dưỡng, kết hợp tập luyện vận động đều đặn để đốt cháy mỡ thừa. Những người đang bị thừa cân, béo phì hay đang mắc tiểu đường thì không nên ăn nhiều loại bánh này.
Trên đây là cách làm bánh Papparoti thơm ngon chuẩn vị mà không lo bị béo. Để hỗ trợ đốt cháy lượng calo dư thừa, cũng như phòng ngừa tiểu đường khi ăn nhiều bánh ngọt, bánh kem, bạn nên bổ sung các loại trà thanh nhiệt, giải độc, thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm mỡ, giảm đường đang có tại hệ thống Nhà thuốc Long Châu với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp