Bật mí cách làm bánh nậm Huế gói lá chuối thơm ngon kèm công thức nước mắm chuẩn nhất

Bật mí cách làm bánh nậm Huế gói lá chuối thơm ngon kèm công thức nước mắm chuẩn nhất

Chúng ta thường nghĩ rằng bánh nậm Huế rất khó làm, tốn nhiều công sức và thời gian. Bánh đòi hỏi sự khéo léo, tính toán thời gian, pha trộn nhiều nguyên liệu. Nỗi lo lắng này hoàn toàn có thể loại trừ với cách làm bánh nậm gói lá chuối của FPT Shop, đi kèm với công thức nước mắm ngon khó cưỡng.

Nguyên liệu làm bánh nậm

Món bánh nậm chuẩn vị Huế để chế biến cần chuẩn bị đầy đủ các loại nguyên liệu như sau:

  • 250gr bột gạo
  • 50gr bột năng
  • 100gr tôm
  • 100gr thịt nạc
  • 600ml nước
  • Dầu màu điều
  • Hành lá, tỏi và hành tím băm nhỏ
  • Tỏi ớt

Ngoài ra, bạn phải chuẩn bị lá chuối xanh để gói bánh. Chọn những lá còn nguyên vẹn, to, màu sắc xanh tươi tự nhiên để món ăn thơm ngon, đẹp mắt hơn.

Nguyên liệu gói bánh nậm Huế

Cách làm bánh nậm gói lá chuối

Xắn tay áo lên và bắt đầu làm bánh nậm Huế chuẩn vị theo các bước sơ chế nguyên liệu, làm nhân, làm bột, gói bánh, làm nước mắm theo hướng dẫn như sau:.

Sơ chế nguyên liệu

  • Tôm mua về bạn cắt bỏ phần đầu, lột vỏ, tách chỉ, rửa sạch rồi băm nhuyễn.
  • Thịt nạc rửa sạch, cắt nhỏ rồi băm nhuyễn. Nên chọn loại thịt mềm, có chút mỡ sẽ ngon hơn. Những phần thịt nạc sẽ dễ bị khô, ảnh hưởng đến hương vị cuối cùng của bánh.
  • Rửa sạch phần bụi bẩn trên lá chuối, làm sạch cả mặt trái và phải. Cắt lá thành các miếng hình chữ nhật kích thước 20cm x 15cm. Trụng sơ lá chuối qua nước sôi pha loãng muối để lá mềm, dễ gói mà vẫn có màu xanh đẹp mắt.
  • Nhặt bỏ hành lá bị hư rồi rửa sạch, thái nhỏ. Ớt rửa sạch.

Tách lá chuối thành miếng hình chữ nhật

Làm nhân bánh nậm

Cho phần tôm và thịt băm nhuyễn vào tô, trộn đều, ướp chung các loại gia vị bao gồm 1 muỗng nước mắm, ½ muỗng hạt nêm, ½ muỗng bột ngọt, ½ muỗng hạt tiêu. Thời gian để tôm và thịt ngấm gia vị là 15 phút.

Làm nóng chảo chống dính, cho 2 muỗng dầu ăn vào, phi thơm phần hành tím và tỏi băm. Tiếp tục cho tôm, thịt đã băm nhuyễn vào chảo, đảo đều tay để nhân bánh tơi nhỏ.

Khi thấy thịt và tôm hơi săn lại, thêm 4 muỗng dầu màu điều. Xào đều tay cho tới lúc tôm và thịt chín (khoảng 3 – 5 phút) thì tắt bếp, cho phần hành lá vào trộn đều.

Xào nhân tôm thịt cùng gia vị

Chế biến bột bánh

Cho bột gạo, bột năng vào một tô lớn, thêm 1 muỗng dầu ăn, ¼ muỗng muối và 1 muỗng đường, trộn đều. Chế 600ml nước vào hỗn hợp bột, vừa chế vừa khuấy nhẹ để bột hòa tan nhanh hơn.

Bắc một chiếc nồi (hoặc chảo) lên bếp, cho phần hỗn hợp bột đã trộn vào, khuấy liên tục trên lửa nhỏ. Quan sát thấy hỗn hợp đặc sệt, quánh lại thì tắt bếp. Lưu ý là khi tắt bếp, bạn nên khuấy bột thêm 1 phút để tăng độ kết dính, mịn, sệt của bột. Như vậy, thành phẩm lớp vỏ bánh sẽ mềm ngon hơn.

Lưu ý: Tỷ lệ pha bột bánh nậm tốt nhất là 1:2 (1 bột, 2 nước). Để tăng độ dẻo, mịn của bánh thì bạn nên rây bột trước khi bắt đầu trộn. Bột ray càng mịn thì khi chế biến, phần vỏ bánh sẽ càng mềm mịn, thơm ngon hơn.

Khuấy bột đều tay để hỗn hợp sệt, mịn

Gói bánh nậm

Sau khi chế biến xong phần nhân và bột bánh, bạn tiến hành gói bánh nậm như các bước sau:

  • Trải 1 tấm lá chuối lên thớt hoặc đĩa sạch, mặt phải (màu xanh đậm) hướng xuống dưới.
  • Phết một ít đầu ăn lên trên bề mặt lá chuối để bột không dính vào lá, khi gỡ bánh không bị nát.
  • Dùng muỗng múc 1 ít bột đặt lên bề mặt lá, tán đều bột ra xung quanh thành một lớp mỏng.
  • Múc 1 muỗng nhân đặt lên chính giữa lớp bột đã trải, tán đều. Chỉ nên cho phần nhân chiếm ½ hoặc ⅔ phần bột, nếu nhân quá nhiều bánh dễ bị vỡ, ngấy và không còn cảm nhận được độ béo thơm của lớp vỏ.
  • Gấp hai bên mép (cạnh dài hơn) vào rồi tiếp tục gấp 2 mép lá còn lại vào. Lật ngược lại bánh, vuốt nhẹ để bột và nhân trải đều hơn.
  • Xé nhỏ một ít lá chuối (dọc theo chiều gân lá) để làm dây cột bánh nậm, tránh trường hợp bánh bị bung ra sau khi gói. Nếu bạn là người gói chắc tay thì có thể bỏ qua bước này. Không nên dùng dây nilon vì vừa không tốt cho sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ và mùi vị món ăn.

Bạn lặp lại các bước trên để gói bánh cho đến khi hết bột, hết nhân. Thông thường, một chiếc bánh nậm chuẩn vị sẽ có tỷ lệ là 1 bột và ¾ nhân là hoàn hảo nhất. Khi gói bánh, hãy canh chỉnh các góc sao cho các mép lá vuông vức nhất, giúp tăng phần thẩm mỹ cho chiếc bánh nậm chuẩn vị.

Các bước gói bánh nậm

Hấp bánh nậm gói lá chuối

Khi gói xong bánh nậm, bạn xếp những chiếc bánh vào xửng hấp, xếp so le và xen kẽ để có khoảng trống cho hơi nước bay lên. Đun sôi nước trong phần nồi hấp, đặt xửng bánh lên nồi hấp khi nước sôi. Hấp bánh trong vòng 15 – 20 phút là bánh sẽ chín.

Lửa dùng để hấp bánh nậm là lửa vừa. Tuyệt đối không hấp với lửa quá lớn vì sẽ khiến bột phình to, phá vỡ cấu trúc bánh mà khi gói chúng ta đã định hình. Sau khi bánh chín, nhấc xửng ra khỏi nồi và để nguội, phần bột đanh lại thì xếp bánh lên đĩa là có thể bắt đầu thưởng thức.

Hấp bánh trong vòng 15 - 20 phút

Thành phẩm

Thành phẩm cuối cùng mà bạn nhận được sẽ là những chiếc bánh nậm có phần bột trắng sữa, hơi trong suốt, phần nhân tôm thịt màu vàng gạch cuốn hút. Khi ăn vào, bạn sẽ cảm nhận được vị mềm mịn, không bể, mặn mà của nhân tôm thịt, thanh ngọt của nước mắm.

Khi ăn, bạn tiến hành gỡ lá, rưới thêm ít nước mắm chua cay mặn ngọt lên là có thể thưởng thức. Bạn nên ăn bánh nậm trong ngày để đảm bảo thưởng thức toàn bộ hương vị bánh. Bánh có thể bảo quản từ 3 – 5 ngày trong tủ lạnh, khi ăn hấp nóng lại là có thể dùng được.

Món bánh nậm ăn kèm nước mắm đậm đà, chuẩn vị

Công thức nước chấm chuẩn vị Huế

Thưởng thức bánh nậm mà không có nước mắm là một điều thiếu sót lớn. Trong quá trình chờ đợi bánh chín, bạn thực hiện pha nước chấm theo công thức sau:

  • 1 muỗng nước mắm ngon
  • 2 muỗng đường
  • ⅖ muỗng nước lọc
  • ¼ muỗng bột ngọt
  • Tỏi và ớt băm nhuyễn
  • 1 ít nước cốt chanh

Cho nước mắm ngon, nước lọc, đường và bột ngọt vào bát, khuấy đều cho đến khi tan hết các gia vị. Tiếp theo, bạn vắt nước cốt chanh vào hỗn hợp nước mắm, sau cùng cho phần tỏi và ớt đã băm nhuyễn. Có thể gia giảm các gia vị để phù hợp với khẩu vị của gia đình.

Lưu ý: Phần nước dùng để làm nước mắm ăn bánh nậm là nước đun sôi để nguội. Nếu dùng nước quá nóng thì khi cho nước cốt chanh vào nước chấm sẽ bị đắng. Tỏi và ớt băm phải cho vào cuối cùng khi hỗn hợp nguội hoàn toàn thì mới không bị chìm xuống đáy.

Công thức nước chấm này có thể kết hợp khi dùng bánh nậm hoặc các loại bánh đặc trưng khác như bánh bột lọc, bánh xèo, bánh khọt,… Người ta vẫn thường ví von nước chấm là “linh hồn” của món ăn. Món bánh nậm ngon, chuẩn vị thì bát nước chấm đậm đà là điều không thể thiếu.

Kết luận

Qua bài viết này, bạn đã biết thêm cách làm bánh nậm gói lá chuối chuẩn vị Huế rồi đúng không nào? Chúc bạn thực hiện thành công để chiêu đãi gia đình cùng nhau thưởng thức món bánh nóng hổi, đậm đà này nhé.

Xem thêm:

  • Cách làm bánh xèo bằng chảo chống dính giòn rụm ngay tại nhà
  • Cách làm bánh bột lọc nhân tôm thịt dai ngon siêu đơn giản với những nguyên liệu dễ tìm

Để phục vụ nhu cầu xay thịt trong quá trình làm bánh nậm, việc sở hữu một chiếc máy xay thịt sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn bao giờ hết. Tìm hiểu thêm một số loại máy xay thịt công suất lớn đang được bày bán ở FPT Shop ngay tại đây!

Máy xay thịt

Rate this post
Mai Nguyễn

Với mong muốn chia sẻ niềm đam mê nấu ăn tới tất cả mọi người, tôi xây dựng cacmonngon.net nhằm chia sẻ những những công thức nấu ăn hữu ích, đơn giản, dễ làm tới những người chưa có nhiều kinh nghiệm nấu ăn cho mình.