Cách làm bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ có khó không? Đây chắc hẳn là thắc mắc của rất nhiều người có niềm đam mê với món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng này. Cùng Anh Quang Shop vào bếp học ngay công thức chế biến bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ thơm ngon cho cả gia đình bạn nhé!
Contents
Có thể làm bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà được không?
Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ hay còn được biết đến với tên gọi là Doner Kebab. Đây là món bánh truyền thống của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xinh đẹp và nổi tiếng trên toàn thế giới. Món ăn này từ lâu đã chiếm được cảm tình của người dân Việt Nam bởi hương vị đậm đà của thịt nướng hòa quyện với nước sốt chua nhè nhẹ.
Món ăn có được sự yêu mến của nhiều thực khách nên được bày bán tại nhiều địa điểm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tự làm ra những chiếc Doner Kebab để dành tặng cho người thân và bạn bè. Thì bạn cũng có thể thực hiện ngay tại ngôi nhà của mình khi nắm rõ công thức.
Khi nắm rõ công thức, món ăn sẽ dậy hương vị đặc trưng với phần vỏ mềm, không bị khô. Điểm nổi bật là phần nhân bánh với sự hòa quyện hoàn hảo của rau tươi mát, thịt đậm đà với sốt chua nhè nhẹ chống ngấy. Chắc chắn người thân và bạn bè của bạn sẽ vô cùng vui vẻ khi thưởng thức món ăn.
Cách làm bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà đơn giản
Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ du nhập về Việt Nam và đã “làm mưa, làm gió” trên mọi diễn đàn ẩm thực. Món ăn này không quá khó làm nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận trong mọi công đoạn. Tham khảo ngay công thức làm bánh ngay tại nhà được Anh Quang Shop đúc kết sau đây để chiêu đại các thành viên bạn nhé!
1. Nguyên liệu làm bánh
Để tạo nên một chiếc bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ hoàn chỉnh chúng ta cần thực hiện làm vỏ bánh, nhân bánh và phần sốt. Tương ứng với những thành phần này cần sử dụng các nguyên liệu chế biến riêng. Bạn hãy chuẩn bị đầy đủ những nguyên liệu làm bánh sau đây nhé!
Nguyên liệu phần vỏ bánh:
Vỏ bánh là phần quan trọng, nguyên liệu tạo nên vỏ bánh Doner Kebab khá giống với các loại bánh mì khác. Cụ thể như sau:
- Bột mì số 13: 1kg.
- Phụ gia: 5gr.
- Bơ: 20gr.
- Men: 15gr.
- Muối: 10gr.
- Nước lạnh: 620ml.
Nguyên liệu phần nhân bánh
Nhân bánh được cấu thành từ các loại thịt và rau. Có một vài công thức sử dụng các loại thịt khác nhau cho phần nhân bánh. Với công thức này, chúng tôi sẽ sử dụng thịt heo truyền thống cực kỳ thơm ngon và phù hợp với khẩu vị của người Việt hơn.
- Thịt nạm cổ heo: 500gr.
- Lá thyme và rosemary.
- Tương cà: 2 thìa.
- Tabasco: 1/3 thìa.
- Mù tạt vàng: 60gr.
- Tương ớt: 2 thìa.
- Mayonnaise: 200gr.
- Gia vị khác: Bột nêm, tiêu.
- Rau: Bắp cải tím, bắp cải trắng, xà lách, cà chua.
Nguyên liệu phần sốt
Nước sốt đóng một vai trò quan trọng trong thành phần tạo nên sự thành công của món bánh này. Phần sốt cần sử dụng những nguyên liệu sau:
- Lòng đỏ trứng: 4 quả.
- Dầu ăn.
- Muối tiêu.
- Nước cốt chanh.
2. Dụng cụ làm bánh
Dụng cụ chế biến là những vật dụng sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình nấu nướng. Những dụng cụ này giúp tiết kiệm thời gian cũng như công sức của bạn hơn. Một vài dụng cụ làm bánh cần thiết như:
- Bát tô sạch.
- Lò nướng.
- Máy đánh trứng.
- Dao.
- Muỗng.
- Dụng cụ cán bột.
3. Cách làm bánh
Cách làm bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ không quá khó khăn. Chỉ với những bước đơn giản bạn đã có thể tạo ra những chiếc bánh thơm ngon như mua ở cửa tiệm về. Thực hiện theo đúng hướng dẫn sau của chúng tôi trong quá trình làm bánh bạn nhé!
Bước 1: Làm vỏ bánh
Vỏ bánh đạt chuẩn là vỏ bánh có độ mềm, xốp, không bị cứng quá. Phần vỏ phải có độ nở bông thì khi thưởng thức mới không bị nhanh ngán. Quy trình làm vỏ bánh cần thực hiện như sau:
- Lần lượt cho bột mì, phụ gia, muối, bơ và nước lạnh vào máy trộn bột. Tiến hành nhào hỗn hợp trong khoảng 6 phút. Khi nào thấy hỗn hợp dẻo, mịn kéo ra không bị rách thì được.
- Nếu không có máy trộn bột, bạn sẽ thực hiện trộn đều hỗn hợp kể trên và tiến hành nhào theo kỹ thuật Folding and Stretching. Bạn thực hiện gấp bột, sau đó dùng mu bàn tay ấn và miết bột ra xa.
- Chia phần bột đã nhào xong thành những viên tròn nhỏ có trọng lượng khoảng 20 gram, dùng tay vo tròn.
- Rắc một lớp bột áo lên mặt phẳng, đặt viên bột vừa vo sau đó dùng cây cán bột cán thành hình tròn mỏng.
- Đặt miếng bột đã cán tròn vào khay có lót sẵn giấy nến và ủ ở nhiệt độ khoảng 30 phút trong 1 giờ đồng hồ.
- Hết thời gian ủ bột, lấy bột ra và nướng trong lò nướng khoảng 15 phút ở nhiệt độ 200 độ C. Sau thời gian nướng, bánh chín vàng thơm là được.
Bước 2: Làm nhân bánh
Nhân của bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ được cấu thành từ thịt và rau. Phần thịt chế biến cầu kỳ hơn nên sẽ thực hiện trước:
- Cho phần thịt nạm cổ heo vào âu cùng mù tạt vàng, thyme, rosemary, một chút bột nêm và tiêu. Sau đó, trộn đều cho thịt thấm gia vị.
- Lấy một miếng giấy bạc, gói thịt vào chính giữa rồi nướng trong lò nướng ở 200 độ C. Sau khi nướng khoảng 50 phút, bạn mở gói giấy bạc ra và nướng tiếp khoảng 10 phút cho bề mặt thịt được vàng.
- Sau khi thịt chín, bạn lấy dao tháo thịt thành các miếng nhỏ vừa ăn và cho ra đĩa.
Sau khi chế biến thịt xong chúng ta sẽ thực hiện chế biến rau ăn kèm. Các loại rau đã chuẩn bị từ trước đó sẽ rửa sạch, để ráo nước và thái mỏng. Sau đó, chuẩn bị hỗn hợp tương ớt, tương cà, tabasco và mayonnaise, trộn cho hòa quyện với nhau rồi trộn cùng phần rau đã thái sẵn.
Bước 3: Làm nước sốt
Phần nước sốt khá dễ thực hiện, bạn cho vào tô 4 lòng đỏ trứng gà đã chuẩn bị trước. Sau đó, từ từ thêm dầu ăn, muối, tiêu và nước cốt chanh vào đánh cùng. Dùng máy đánh ở tốc độ thấp cho đến khi hỗn hợp mịn mượt, có màu vàng nhạt là được.
Bước 4: Hoàn thành chiếc bánh
Bạn cắt bánh mì đã nướng thành 4 miếng có hình tam giác. Dùng dao cắt chính giữa của miếng bánh để xẻ đôi miếng bánh ra. Phết phần sốt đã chuẩn bị vào mặt bên trong. Sau đó, thêm hỗn hợp rau, thịt vào bánh là đã hoàn thành chiếc bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ.
4. Lưu ý khi làm bánh
Quá trình làm bánh có thể sẽ có một vài khó khăn với những bạn thực hiện lần đầu tiên. Các bạn có thể tham khảo lưu ý sau đây giúp việc làm bánh mì dễ dàng và thành công ngay từ lần đầu tiên.
- Khi nhào bột, bạn hãy kiểm tra bột bằng cách kéo dãn bột ra. Nếu tạo thành một màng mỏng, không dễ rách thì đã đạt.
- Khi làm phần nước sốt có thể gia giảm gia vị để có được vị chua phù hợp với khẩu vị.
- Chọn thịt heo có màu hồng hoặc màu đỏ tươi, bề mặt hơi se se và sáng bóng, không có mùi lạ. Dùng tay ấn vào miếng thịt mà thấy không có độ đàn hồi, tức là vết lõm còn nguyên thì không nên mua vì đó là thịt kém chất lượng.
- Bạn cần đảm bảo ủ bột ở điều kiện thích hợp và đủ thời gian để bánh bông xốp vừa ý.
Những cách ăn bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ ngon
Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ là món ăn thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên thường được sử dụng vào bữa sáng để cung cấp năng lượng cho cả gia đình. Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cực kỳ hấp dẫn khi được thưởng thức cùng một ly sữa nóng hoặc một tách cà phê. Ngoài ra, bất cứ khi nào bạn muốn cũng có thể thưởng thức món bánh thơm ngon này.
Ngoài công thức chia sẻ ở trên, bạn có thể thay đổi công thức sau cho phù hợp với khẩu vị của mình và gia đình. Nước sốt và thịt có lẽ là phần được nhiều người thay đổi để không bị chán khi ăn.
Bạn có thể thay thế phần thịt lợn bằng các loại thịt khác như thịt gà, thịt bò,… Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn loại sốt mình yêu thích để trộn với phần rau hoặc phết lên bánh mì.
Cách bảo quản bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ lâu dài
Doner Kebab tự làm tại nhà sẽ đảm bảo vệ sinh, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, loại bánh này có nhược điểm về thời hạn bảo quản vì không sử dụng các chất phụ gia giúp bảo quản lâu hơn. Nếu bảo quản sai cách khiến bánh bị hư hỏng sẽ làm lãng phí thực phẩm và lãng phí cả công sức chế biến. Cách tốt nhất để quản quản bánh mì là bảo quản riêng từng thành phần.
- Vỏ bánh mì: Bạn có thể bảo quản vỏ bánh ở điều kiện bình thường từ 1-3 ngày. Tuy nhiên, nếu muốn bảo quản lâu hơn thì cần bọc bánh mì trong túi zip hoặc giấy báo rồi để vào ngăn đá tủ lạnh. Khi cần sử dụng, bạn sẽ nướng lại bánh mì cho nóng là được.
- Thịt: Thịt sau khi nướng xong bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng ngay trong ngày hoặc từ 1-2 ngày. Nếu bạn muốn bảo quản lâu hơn thì hãy cho thịt vào ngăn đá để ngăn chặn sự phát triển của các sinh vật gây hại.
- Sốt: Đối với phần sốt, tốt nhất bạn nên bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong thời gian ngắn. Trong quá trình sử dụng nên thường xuyên kiểm tra, nếu thấy sốt bị tách lớp, có mùi lạ, vị lạ thì không nên sử dụng nữa.
Anh Quang Shop vừa chia sẻ với bạn cách làm bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà cực kỳ đơn giản. Truy cập trang web của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều công thức chế biến các loại bánh hấp dẫn khác bạn nhé!