Mình “nghiện ngập” và “đam mê” món vịt quay da giòn, thịt mềm và thơm phức mùi ngũ vị. Nhưng mua vịt ngan ở đây không dễ tí nào. Thường thì chỉ có riêng phần đùi vịt, còn nếu nguyên cả con thì sẽ to bự cỡ khoảng 2.5 – 3kg. Nếu “vác” về nhà chắc cả tuần sẽ phải nghĩ vịt 7 món để xử lí (mà có khi cũng không hết ấy).
Có lẽ chỉ có dịp lễ hội này là mua vịt ngan dễ. Ngoài các loại gà, ngỗng thường thấy thì có cả chim trĩ, và vịt trời – cỡ độ 1 kg / con, làm gì cũng tiện, mà ăn cũng đỡ mệt mỏi. Vì cả năm chỉ thấy có một lần nên không thể bỏ lỡ. Thế là lại bày ra làm, vừa có không khí Giáng sinh, vừa có lương thực dự trữ cho mấy ngày nghỉ ở nhà làm việc luôn, nhất cử lưỡng tiện ^.^
Vịt nhồi táo nướng kèm rau củ
Trước đây mình có chia sẻ cách làm vịt quay da giòn trong bếp rồi. Cách làm đó là cách chuẩn của vịt quay Bắc Kinh, vịt rất ngon nhưng làm thì hơi mất thời gian. Phải đợi hong cho khô vịt, rồi cần cả mạch nha nữa, cũng hơi lích kích. Nên lần này mình thử đổi cách khác, kết hợp một vài thứ mình biết và một vài thứ khác học được từ sách. Vịt vốn nhiều mỡ, nên nếu muốn da giòn thì phải loại bỏ phần mỡ này trước. Lần này làm mình trụng vịt qua nước sôi trước cho vịt sạch và giúp phần da mỡ “căng lên”, khi nướng sẽ chảy mỡ nhiều hơn. Sau đó ướp, rồi dùng muối nở để giúp da giòn hơn trong khi quay. Vịt đầu tiên được quay ở lửa nhỏ, để mỡ tiết ra và thịt chín từ từ mà da không bị cháy, rồi mới nướng ở nhiệt độ cao và quét thêm hỗn hợp giúp da vịt bóng giòn. So với cách làm trước thì cách làm này cho thịt vịt ngon không kém, chín mềm vừa, không khô, đậm đà, rất thơm và da rất giòn, đặc biệt ít mỡ. Không có gì để phàn nàn cả. Chắc cuối tuần sẽ phải đi chợ làm thêm con nữa :”>
Tuy nói là có hai món “vịt quay mật ong” và “vịt quay nhồi táo” nhưng về cơ bản thì cách làm giống nhau, chỉ có một món là nhồi thêm hỗn hợp củ quả trong bụng thôi, nên mình viết cách làm chung cho món vịt quay mật ong, và bổ sung ghi chú cuối bài cho các bạn muốn nhồi thêm các thứ nhé.
Nguyên liệu
- 1 con vịt cỡ khoảng 1 kg đã được làm sạch lông và bên trong
- 15 – 20 gr gừng tươi
Gia vị ướp vịt
- ½ thìa cafe bột tỏi (hoặc 15 gr tỏi bằm nhuyễn)
- ½ thìa cafe bột hành (hoặc 15 gr hành hương bằm nhuyễn)
- ¾ thìa cafe bột ngũ vị hương
- 1 thìa cafe rượu Mai Quế Lộ (không bắt buộc – mình dùng vì nhân tiện còn dư từ đợt làm bánh trung thu 🙂 )
- 1 thìa cafe đường
- ¾ thìa cafe bột gia vị Hải Châu (hoặc muối)
- 1 thìa canh xì dầu (nước tương – soy sauce)
- 1 thìa canh dầu hào (oyster sauce)
Gia vị quét lên bên ngoài vịt khi nướng
- 1/2 thìa cafe muối nở (baking soda)
- 2 thìa cafe mật ong
- 1.5 thìa cafe xì dầu
- 1/4 thìa cafe bột gừng
- 1/4 thìa cafe bột tỏi
- 1/4 thìa cafe bột ngũ vị hương
Rau củ nướng kèm vịt: Các bạn có thể dùng loại rau tùy ý, miễn là dạng củ cứng cáp một chút để có thể nướng lâu. Mình dùng khoai lang, cà chua, nấm và cà rốt (khoai lang nướng rất ngon và ngọt).
Phần rau củ này không bắt buộc, nhưng nên dùng vì sẽ tận dụng được phần mỡ chảy ra từ vịt. Nướng xong là chúng mình sẽ có cả thịt vịt và rau rất ngon, rất thơm ^.^
(*) Ghi chú:
- 1 thìa canh = 1 tablespoon = 15 ml chất lỏng hoặc 15 gr (bột)
- 1 thìa cafe = 1 teaspoon = 5 ml chất lỏng hoặc 5 gr bột
Cách làm
1. Vịt làm và rửa sạch sẽ. Chuẩn bị một nồi nước to (đủ ngập vịt). Đập dập gừng tươi, cho vào nồi nước. Đun đến khi nước sôi mạnh thì tắt bếp. Cho vịt vào trần qua trong khoảng 2 – 3 phút. Bước này sẽ giúp cho vịt sạch, bớt hôi và quan trọng nhất là giúp cho mỡ từ vịt chảy ra nhanh và nhiều hơn khi nướng (da vịt sẽ giòn hơn).
2. Vớt vịt ra khỏi nước, để khoảng 20 – 30 phút cho khô ráo (không cần rửa lại vịt).
3. Pha các gia vị trong phần nguyên liệu để ướp trong một cái bát. Nêm nếm và điều chỉnh cho vừa với khẩu vị của gia đình. Hỗn hợp ướp cần có vị mặn ngọt vừa đủ và có mùi thơm từ ngũ vị hương, tỏi, hành.
4. Đeo găng tay, xoa thật đều phần gia vị ướp lên khắp con vịt, cả bên trong và bên ngoài (nên “mát-xa” vịt thật kĩ để gia vị ngấm đều nhé).
5. Để vịt vào trong hộp kín hoặc bọc kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, để qua đêm hoặc tối thiểu 6 – 8 giờ cho vịt ngấm gia vị.
6. Sau khi vịt đã ướp đủ thời gian, dùng giấy làm bếp hoặc khăn thấm khô phần da vịt. Xát muối nở lên khắp bên ngoài vịt. Để vịt khoảng 15 phút cho khô ráo.
* Muối nở (baking soda) có thể mua tại các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh – là một loại muối lành tính và được sử dụng rất rộng rãi trong chế biến thực phẩm.
7. Làm nóng lò ở chế độ 2 lửa – nhiệt độ 175 độ C. Lót giấy bạc vào khay, cắt rau củ quả thành miếng vừa ăn, xếp vào trong khay. Dùng chổi quét dầu Olive hoặc dầu ăn lên trên rau quả (để khi nướng rau không bị khô).
8. Đặt vịt lên trên vỉ nướng. Khay rau củ đặt ở phía dưới để hứng mỡ chảy ra từ vịt. Khi lò đã đủ nóng thì đặt vịt ở giữa lò, quay phần ức vịt lên trên, nướng ở 175 – 180 độ C trong 10 – 15 phút rồi lật lại vịt, nướng tiếp 10 – 15 phút.
Trộn đều các nguyên liệu trong phần gia vị quét bên ngoài vịt (trừ muối nở, đã xát lên vịt trước khi nướng).
9. Lấy vịt ra khỏi lò. Thấm khô hết mỡ bám trên phần da vịt. Dùng chổi quét phần gia vị ướp bên ngoài lên đều khắp mình vịt. Để khoảng 10 phút cho vịt khô bớt. Trong lúc này, tăng nhiệt độ lên 210 độ C.
10. Khi lò đã đủ nóng, đưa khay nướng lên cao để vịt gần lửa trên hơn. Cho vịt vào lò nướng ở nhiệt độ 200 – 210 độ C trong 10 phút mỗi mặt (tức là tổng cộng nướng thêm 20 phút). Đến khi da vịt màu vàng đỏ au, căng bóng thì tắt lò. Lấy vịt ra ngoài, để vịt thêm khoảng 20 phút rồi mới cắt ăn. Việc để vịt ngấm sau khi nướng là cần thiết, sẽ giúp vịt đậm đà và mềm mại hơn. Nếu cắt vịt sớm, nước từ vịt sẽ tiết ra ngoài nhiều, làm cho miếng thịt dễ bị khô.
Các loại rau củ trước khi lấy ra đĩa có thể trộn đều với mỡ vịt ở trong khay (rất thơm, rất ngon 🙂 ).
Từ công thức này, nếu thích các bạn có thể nhồi ra củ vào trong bụng vịt. Chẳng hạn như mình dùng thêm 2/3 quả táo (thái lát mỏng), 1/4 củ hành tây (thái lát mỏng), vài tép tỏi (băm nhuyễn) và 2 – 3 củ hành hương (shallot) (băm nhuyễn). Sau đó trộn đều những thứ này rồi nhồi vào bụng vịt.
Lấy dây buộc phần chân lại rồi đem nướng như bình thường. Nếu dùng táo và hành tỏi thì trong phần ướp các bạn nên bỏ ngũ vị hương và tăng hành tỏi lên một chút nhé. Hỗn hợp hành, tỏi, táo kết hợp với nhau tạo ra mùi vị rất thơm ngon, và cũng giúp cho vịt mềm hơn nữa.
Chúc các bạn Giáng sinh ấm áp, an lành! 😡