Tắc chưng đường phèn để trị ho là một bài thuốc được lưu truyền trong dân gian từ xa xưa. Lợi ích của bài thuốc thiên nhiên này như thế nào mà lại được sử dụng phổ biến và rộng rãi? Và liệu rằng, bạn có thể tự làm được tắc chưng đường phèn tại nhà được không? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé!
Contents
Trị ho bằng tắc chưng đường phèn có tác dụng không?
Không phải ngẫu nhiên bài thuốc tắc chưng đường phèn lại được lưu truyền từ đời này qua đời khác trong dân gian để trị ho. Nguyên nhân là do thức uống này có sự kết hợp chua chua của tắc, vị ngọt dịu của đường phèn và mật ong. Sự kết hợp trên có tác dụng rất rõ ràng cho việc chống viêm, kháng khuẩn và thông họng.
Những ngày ho dai dẳng, họng đau rát, bạn chỉ cần chăm chỉ sử dụng tắc chưng đường phèn thì các triệu chứng đã giảm hẳn. Vậy tại sao thức uống này lại “thần kì” như vậy? Thức uống này có sự góp mặt của 3 thực phẩm quen thuộc rất dễ mua như tắc, đường phèn và mật ong. Các nguyên liệu đều có công dụng riêng giúp đẩy lùi tình trạng ho. Công dụng cụ thể như sau:
- Quả tắc: Quả tắc hay còn gọi là quả quất có mùi thơm, vị chua. Trong tắc có chứa rất nhiều vitamin C, vitamin A1, vitamin B11 cùng các khoáng chất như canxi, photpho, kali… giúp tăng cường khả năng miễn dịch, trị tiểu đường, cao huyết áp và làm sáng mắt. Đặc biệt, theo y học cổ truyền, quả tắc có tính ấm, có thể trị ho, long đờm, thông họng, giải rượu và giải cảm tốt.
- Đường phèn: Đây là loại đường được làm từ đường mía hoặc củ cải đường. So với đường cát bình thường thì đường phèn đem lại vị ngọt dịu, không quá gắt cổ như đường cát. Người bệnh sẽ dễ sử dụng hơn đường cát. Và đường phèn cũng có tác dụng kháng khuẩn, giải độc, giải viêm, giải khát hiệu quả.
- Mật ong: Mật ong là nguyên liệu quá đỗi quen thuộc, có tác động tốt đối với nhiều bệnh lý, làm đẹp. Mật ong được sử dụng để giải độc, nhuận táo, bổ trung với tính bình và vị ngọt thanh.
Sự kết hợp hoàn hảo của các nguyên liệu kể trên đã tạo ra một bài thuốc chữa ho hiệu quả, cải thiện tình trạng ho dai dẳng, làm nhẹ các triệu chứng khi viêm họng.
Cách làm tắc chưng đường phèn tại nhà không bị đắng
Trị ho bằng tắc chưng đường phèn là một phương pháp lành tính, an toàn, hiệu quả và không có tác dụng phụ bởi tất cả những nguyên liệu đều từ thiên nhiên. Dưới đây, nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ cho các bạn cách làm tắc chưng đường phèn tại nhà không bị đắng một cách chi tiết nhất.
Nguyên liệu chuẩn bị
Nguyên liệu chuẩn bị cần có:
- 500g tắc: Chọn những quả tắc tươi, căng mọng, chứa nhiều nước. Ưu tiên chọn những quả còn xanh hoặc đã chuyển sang vàng và không lựa chọn quả bị dập nát, bị sâu đục, có hiện tượng hỏng.
- 200g đường phèn: Có thể chọn đường phèn ở dạng nguyên khối hoặc dạng bột, phải có màu trắng khi đã được lọc tạp chất hay loại màu vàng khi chưa qua chế biến.
- 100g mật ong: Sử dụng mật ong nguyên chất để được lọ tắc chưng đường phèn đạt chất lượng cao.
- Một lọ thủy tinh có nắp để đựng tắc chưng đường phèn.
Cách làm tắc chưng đường phèn
Chưng theo cách truyền thống:
- Đem toàn bộ tắc đi rửa sạch khoảng 2 – 3 lần để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất còn lại trên vỏ tắc. Sau đó đem ngâm nước muối pha loãng tầm 15 – 20 phút và vớt ra để ráo.
- Thái quả tắc thành 3 – 4 phần. Và cần giữ lại hạt tắc, do trong hạt có chứa nhiều tinh chất có lợi trong việc điều trị ho.
- Đập nát đường phèn dạng khối nếu bạn sử dụng đường phèn loại khối.
- Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi ngâm trong 1 tiếng đồng hồ. Tiếp theo sau đó, đun sôi với ngọn lửa liu riu và lưu ý đảo đều tay để tránh bị khét. Đun trong vòng 30 phút là có thể tắt bếp.
- Để hỗn hợp nguội, rồi tiến hành cho vào lọ thủy tinh, đậy nắp kín để bảo quản trong tủ lạnh.
Chưng hoặc hấp cách thủy:
- Đem toàn bộ tắc đi rửa sạch khoảng 2 – 3 lần để loại bỏ lớp bụi bẩn và tạp chất còn lại trên vỏ tắc. Sau đó đem ngâm nước muối pha loãng tầm 15 – 20 phút và vớt ra để ráo.
- Thái quả tắc thành 3 – 4 phần. Và cần giữ lại hạt tắc, do trong hạt có chứa nhiều tinh chất có lợi trong việc điều trị ho.
- Đập nát đường phèn dạng khối nếu bạn sử dụng đường phèn loại khối.
- Tiến hành cho tắc và đường phèn vào bát sứ theo công thức một lớp tắc, một lớp phèn. Cuối cùng đổ toàn bộ mật ong lên trên.
- Đặt bát sứ vào nồi và cho nước sao cho chỉ ngập nửa chiếc bát. Đậy nắp nồi và hấp cách thủy với lửa nhỏ. Đến khi hỗn hợp có màu vàng thì tắt bếp.
- Cẩn thận, từ từ lấy bát sứ ra và để hỗn hợp nguội. Rồi cũng tiến hành bỏ vào lọ thủy tinh, đậy nắp và để vào tủ lạnh.
Cách sử dụng tắc chưng đường phèn trị ho hiệu quả
Để trị ho bằng tắc chưng đường phèn một cách hiệu quả bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Pha một chút nước ấm với tắc chưng đường phèn để uống. Sử dụng thức uống trên 3 lần/ngày và dùng liên tục trong 3 đến 4 ngày sẽ giúp giảm ho và đau họng.
- Trị ho bằng thức uống tắc chưng đường phèn chỉ là một bài thuốc dân gian. Vì vậy cần sử dụng trong thời gian dài, kiên trì đều đặn hằng ngày mới đem lại hiệu quả tốt nhất, đồng thời giúp phòng ngừa các căn bệnh về đường hô hấp. Tránh dừng lại đột xuất khi triệu chứng mới bắt đầu thuyên giảm.
- Tắc chưng đường phèn không nên sử dụng cho những người có vấn đề về đường tiêu hóa và dạ dày không tốt. Vì sau khi uống vào, bạn có thể ợ chua, ợ hơi không tốt cho sức khỏe của bản thân.
- Lưu ý cần hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng nếu có dùng một số phương thuốc khác và nhận lời khuyên để có khoảng thời gian chính xác sử dụng để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Hạn chế sử dụng đồ lạnh, nước đá, thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ.
- Súc miệng thường xuyên bằng nước muối vào mỗi sáng sớm và vào buổi tối trước khi bạn đi ngủ.
- Sử dụng những đồ bảo vệ cơ thể, đặc biệt khi trời trở lạnh, thay đổi thời tiết, bao gồm: Khẩu trang, áo khoác, khăn choàng…
Cách làm tắc chưng đường phèn khá đơn giản, nguyên liệu dễ kiếm mà chi phí lại thấp. Vì vậy bạn nên dự trữ một lọ tại nhà để có thể cải thiện tình trạng ho, đau họng và phòng ngừa các căn bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, đây chỉ là thức uống dân gian hỗ trợ cải thiện triệu chứng ho. Bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để có những biện pháp chăm sóc phù hợp khi ho kéo dài, gây mệt mỏi.
Trên đây là những giải đáp về bài thuốc tắc chưng đường phèn trong điều trị ho của nhà thuốc Long Châu. Hi vọng những kiến thức hữu ích trên đã giúp bạn phần nào vững tin trong cách chăm sóc và bảo vệ cơ thể bản thân. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp