Với thành phần chứa nhiều tinh bột và carbohydrate, lợi ích của khoai tây được biết đến là thực phẩm giúp trẻ tăng cân nhanh chóng. Trong khi đó, phô mai lại dễ ăn và được rất nhiều bạn nhỏ ưa thích. Sự kết hợp hai thực phẩm này sẽ tạo nên món súp vô cùng thơm ngon, hấp dẫn cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm.
Contents
Vì sao nên nấu súp khoai tây cho bé ăn dặm?
Các món súp khoai tây ăn dặm bổ sung nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể của bé. Không những cung cấp nguồn năng lượng cho mọi hoạt động thông qua lượng carbohydrate, khoai tây còn chứa rất nhiều dưỡng chất khác như: Vitamin B1, B3, B5, B6, vitamin C, kali, photpho…
Tất cả các dưỡng chất này đều là những thành phần tốt mang lại lợi ích sức khỏe cho trẻ. Chúng hỗ trợ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, tốt cho mắt, kiểm soát đường huyết, bảo vệ não và hệ thần kinh… Đây cũng là lý do giúp khoai tây được chọn lựa và sử dụng nhiều trong các món ăn và thực đơn ăn dặm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
Súp khoai tây cho bé ăn dặm là món ăn nhiều dinh dưỡng
Không những vậy ở nhiều quốc gia, khoai tây còn được xem là nguồn lương thực chính. Mẹ có thể chế biến rất nhiều món ăn dặm từ khoai tây cho bé yêu nhà mình, đặc biệt là súp khoai tây. Món ăn dinh dưỡng này không chỉ đơn giản dễ thực hiện mà còn có rất nhiều cách kết hợp và chế biến khác nhau. Tùy theo độ tuổi, các chị em có thể lựa chọn công thức nấu súp khoai tây nói chung cũng như súp khoai tây phô mai cho bé ăn dặm sao cho phù hợp.
Công thức súp khoai tây phô mai cho bé ăn dặm
Súp khoai tây phô mai cho bé ăn dặm có độ mềm mịn với vị thơm ngon, béo ngậy chắc chắn sẽ khiến trẻ thích mê. Thời gian thực hiện chỉ từ 20 – 30 phút với nguyên liệu và các bước thực hiện đơn giản sau:
Chuẩn bị nguyên liệu
- 5 củ khoai tây bi, 1 củ cà rốt, 3 cây nấm hương, ¼ củ hành tây, 1 tép tỏi.
- 2 muỗng bơ, 2 thỏi phô mai con bò cười, 100ml sữa tươi, 30g bột mì đa dụng.
Mách mẹ cách chọn mua khoai tây tươi ngon
- Nên chọn những củ khoai nặng, cầm chắc tay, lành lặn và có bề mặt vỏ trơn nhẵn.
- Chọn những củ khoai tây màu vàng vì chúng thường ngon và ngọt hơn so với khoai tây đã hơi ngả màu trắng.
- Không chọn củ khoai bóp thấy mềm, nhăn nheo hoặc bị sâu, có mắt đen, chảy nước.
- Tuyệt đối không mua những củ khoai tây mọc mầm hoặc có da chuyển sang màu xanh vì nó cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe.
Cách nấu súp khoai tây phô mai cho bé ăn dặm
- Bước 1: Sơ chế khoai tây, gọt bỏ vỏ, rửa sạch và thái nhỏ. Cà rốt nạo vỏ rửa sạch, xắt hạt lựu. Nấm hương ngâm nước ấm cho mềm, rửa sạch và tiếp tục thái hạt lựu. Cho tất cả khoai tây, cà rốt, nấm hương vào nồi, đổ nước vừa sấp mặt. Bật bếp, nấu cho đến khi các thành phần nguyên liệu này chín mềm.
- Bước 2: Cho tất cả hỗn hợp đã chín vào máy xay nhuyễn, để súp có độ sánh có thể thêm một lượng nước rau củ luộc vừa đủ.
- Bước 3: Rửa sạch hành tây, băm nhỏ. Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn. Cho bơ vào chảo đun chảy, thêm tỏi băm phi thơm rồi đổ tiếp hành tây vào. Xào lửa vừa.
- Bước 4: Khi hành tây đã mềm, bạn cho thêm sữa tươi. Khuấy đều bột mì với ít nước rồi từ từ đổ vào chảo hành tây. Khuấy liên tục, cho đến khi sốt trở thành hỗn hợp đặc sệt màu trắng là được.
- Bước 5: Cho rau củ đã xay nhuyễn trước đó vào chung với nước sốt. Thêm phô mai rồi trộn đều cho đến khi tan hết phô mai là xong. Với món súp khoai tây phô mai cho bé ăn dặm này, dùng khi còn ấm hay ăn nguội đều ngon.
Các bước nấu súp khoai tây phô mai cho bé ăn dặm
Cho phô mai vào súp khoai tây khi nào?
Các thành phần dinh dưỡng có trong phô mai rất dễ biến đổi nếu bị đun nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Vì vậy, các mẹ chỉ nên cho phô mai vào súp khi gần hoàn thành quá trình nấu (1 – 2 phút trước khi tắt bếp) để không làm giảm tác dụng dinh dưỡng có trong phô mai. Nhiệt độ lúc này vừa đủ để phô mai tan hết nhưng vẫn không làm mất đi các dưỡng chất thiết yếu có trong thực phẩm này. Đồng thời vẫn giữ được hương vị thơm ngon của món súp khoai tây phô mai cho bé ăn dặm.
Nên cho phô mai vào súp khoai tây trước khi tắt bếp 1-2 phút
Những lưu ý khi cho bé sử dụng phô mai ăn dặm
Dùng phô mai cho bé ăn dặm đúng cách
Tùy theo nhu cầu và sở thích ăn dặm của bé yêu nhà mình mà mẹ có thể chế biến phô mai với các thực phẩm khác nhau như: Dùng phô mai để phết bánh mì, kết hợp với khoai, cà rốt, tôm, thịt bò… để nấu cháo/súp hay xay nhuyễn phô mai để trộn chung với đồ ăn dặm của bé… Điều này giúp đa dạng thực đơn, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
Bên cạnh đó, các mẹ tuyệt đối không nấu phô mai với các thực phẩm như: Mồng tơi, rau dền, cua, lươn… vì có thể khiến trẻ bị đau bụng, khó tiêu và mất cảm giác ngon miệng. Đồng thời lưu ý điều chỉnh lượng phô mai phù hợp khi nấu đồ ăn dặm cho con với các loại thực phẩm giàu đạm. Bạn cũng không nên dùng nilon để bọc bảo quản phô mai vì các chất độc hại từ nilon sẽ dính vào phô mai và ảnh hưởng xấu đến bé.
Không nên cho trẻ ăn dặm quá nhiều phô mai
Cho trẻ ăn quá nhiều phô mai dễ dẫn đến tình trạng táo bón và nguy cơ béo phì. Vì vậy, mẹ chỉ nên cho bé ăn lượng phô mai vừa đủ, đồng thời bổ sung chất xơ có trong rau củ và các chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ. Đồng thời lưu ý đến cách bảo quản phô mai để sử dụng được lâu dài mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng tối đa.
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều phô mai vì dễ bị phản tác dụng
Thay vì chỉ cho bé ăn cháo/bột, các mẹ hãy đổi bữa cho con với món súp khoai tây phô mai cho bé ăn dặm thơm ngon bổ dưỡng trên đây. Với cách chế biến vô cùng đơn giản cùng sự kết hợp của những nguyên liệu dễ mua bạn đã có ngay món ăn đầy dinh dưỡng cho thực đơn của bé yêu rồi đấy. Chúc các mẹ thành công!
Minh QA
Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn