Mực là loại thực phẩm rất giàu dưỡng chất. Người ta có thể chế biến mực theo nhiều cách, trong đó mực nướng được ưa chuộng hơn cả. Kiểu chế biến này vừa giúp món mực thêm ngon lại đảm bảo hàm lượng calo vừa đủ, bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, ăn thỏa sức mà không bị béo.
Contents
Mực nướng bao nhiêu calo?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong mực có chứa rất nhiều vitamin cùng khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
Bảng thành phần dinh dưỡng của mực bao gồm các chất như: Đạm (16.3g), canxi (14mg), kali (273mg), sắt (600mcg), vitamin PP (1000mg).
Ngoài ra, người ta còn tìm thấy trong mực hàm lượng lớn phốt phô, vitamin B2, tro, chất béo,… cùng nhiều dưỡng chất khác.
Tùy vào từng cách chế biến mà hàm lượng calo trong món ăn sẽ khác nhau. Đối với món mực nướng, cứ 100g thì sẽ có khoảng 75 calo. Đây là con số khá thấp so với các món nướng khác. Ví dụ như cá nướng là 205,8 calo (tùy loại cá mà lượng calo có thể thay đổi), hàu nướng 110 calo, tôm nướng khoảng 99 calo.
Như vậy, với hàm lượng calo không quá cao, bạn hoàn toàn có thể ăn mực nướng mà không sợ sẽ tăng cân.
Nếu bạn yêu thích các món ngon từ mực thì nhanh tay học ngay 3 cách làm mực nướng dưới đây đảm bảo ngon chẳng kém đầu bếp nhà hàng.
1 Cách làm mực nướng bằng nồi chiên không dầu
Với các chị em muốn làm mực nướng mà không có thời gian chuẩn bị than hoa thì có thể sử dụng nồi chiên không dầu để thay thế.
1.1. Làm mực nướng bằng nồi chiên không dầu cần chuẩn bị những gì?
Với số lượng 3 – 4 người ăn mực nướng, bạn cần có những nguyên liệu sau:
- Mực tươi: 3 con ( 700 – 800g)
- Sả: 2 – 3 cây
- Ớt tươi: 3 quả
- Muối, bột nêm, dầu mè, đường
1.2. Cách làm mực nướng bằng nồi chiên không dầu nhanh nhất
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Mực tươi mua về đem rửa sạch rồi dùng dao khía miếng vuông để khi chín miếng mực trông đẹp và bắt mắt hơn.
- Sả ớt rửa sạch rồi băm nhỏ.
Mẹo hay: Mực là loại hải sản khá tanh vì thế để đảm bảo món ăn ngon, tròn vị bạn nên:
- Rửa mực với hỗn hợp giấm muối: Cho 1 thìa giấm, ½ thìa muối vào bát nước khuấy đều lên rồi cho mực vào rửa kỹ.
- Ngoài ra, nếu trong nhà có tro bếp, bạn cũng có thể bóp mực với tro sau đó rửa lại bằng nước sạch. Với cách này, mực sẽ không còn mùi tanh khó chịu nữa.
Bước 2: Ướp mực
Trong các món hải sản thì có thể nói nướng mực khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều thao tác và các loại gia vị cầu kỳ.
- Nước sốt ướp mực gồm có: 1 thìa muối, 1 thìa bột nêm, ½ thìa đường, 1 thìa dầu mè cùng phần sả ớt đã băm nhỏ.
- Trút hỗn hợp sốt vừa pha vào bát mực đã làm sạch, để khoảng 20 phút cho mực ngấm. Nếu có thể, bạn hãy ướp lâu hơn để khi nướng lên thịt mực ngon và đậm đà nhé.
Bước 3: Cách làm mực nướng bằng nồi chiên không dầu
- Bật nồi chiên không dầu ở ngưỡng nhiệt 180 độ rồi để chừng 5 phút cho nóng lò.
- Xếp mực vào vỉ nướng rồi cho vào nồi chiên không dầu, đặt nhiệt 180 độ trong thời gian 10 phút.
- Khi hết thời gian, bạn lấy mực ra, lật mặt mực, phết thêm sốt ướp sau đó tiếp tục cho vào lò nướng 10 phút ở ngưỡng nhiệt 180 độ.
Bước 4: Hoàn thiện món mực nướng
Gắp mực nướng ra đĩa, cắt mực thành từng miếng vừa ăn rồi thưởng thức. Cách làm mực nướng này đơn giản mà vẫn đảm bảo độ thơm ngon.
Phần mực chín tới ngọt thơm, đậm đà ăn hoài không chán. Bữa tiệc liên hoan sẽ thêm phần hấp dẫn nếu có đĩa mực nướng nóng hổi, cay cay này đấy.
2 Cách làm mực nướng sa tế
Mực nướng sa tế đậm đà thơm ngon là lựa chọn tuyệt vời để làm món nhậu lai rai ngày cuối tuần.
2.1. Nguyên liệu làm mực nướng sa tế
- Mực tươi: 500g
- Sa tế: 2 thìa
- Gừng: 1 củ
- Sả: 2 củ
- Tỏi: 1 củ
- Hành tím: 1 củ
- Rượu trắng: 100ml
- Que xiên mực: 5 – 10 que
- Than hoa: 1kg
2.2. Chi tiết cách làm mực nướng sa tế ngon
Bước 1: Sơ chế các loại nguyên liệu
- Mực tươi bạn rút bỏ phần mai, mắt cùng túi mực sau đó cho vào chậu nhỏ rồi thêm gừng và rượu trắng để khử sạch mùi tanh. Rửa lại mực với nước sạch để loại bỏ hết mùi rượu rồi để ráo nước.
- Hành, tỏi, sả băm nhỏ.
Bước 2: Làm sốt ướp mực
Linh hồn của món mực nướng sa tế chính là phần sốt ướp. Để ướp mực, bạn pha nước sốt theo công thức sau:
- 2 thìa sa tế + 2 thìa dầu hào + 1 thìa hạt nêm + 1 thìa nước lọc + 2 thìa đường và phần hành, tỏi, sả băm nhỏ.
- Dùng đũa trộn đều để các loại nguyên liệu quyện vào nhau.
Bước 3: Ướp mực
- Lấy mực đã sơ chế sạch cho vào bát tô.
- Trút phần hỗn hợp sốt ở bước 2 vào bát rồi dùng đũa đảo đều để mực ngấm gia vị.
- Lấy màng bọc thực phẩm bọc mực đã ướp sốt và để trong ngăn mát của tủ lạnh khoảng 30 phút.
Bước 4: Nướng mực
Muốn có món mực nướng chuẩn vị thì chắc chắn không thể thiếu than hoa. Trong lúc chờ mực ngấm gia vị, bạn hãy nhóm bếp than và chuẩn bị vỉ nướng.
- Dùng xiên que đã chuẩn bị để xiên mực chuẩn bị nướng.
- Đặt vỉ nướng lên bếp than rồi xếp mực lên trên.
- Chừng 5 phút thì lật mực và quét phần sốt lên trên để mực không bị cháy.
- Thực hiện thao tác liên tục cho đến khi mực chín vàng đều các mặt là được.
Bước 5: Hoàn thành món mực nướng sa tế
Mực chín, bạn dùng kéo cắt mực thành từng miếng vừa ăn. Những miếng mực chín vàng đều 2 mặt, mùi thơm đặc trưng của mực, đậm đà của gia vị, cay nồng của sa tế khiến người ăn một lần nhớ mãi.
Đừng quên chuẩn bị thêm một chút bia và đồ uống để món ăn thêm tròn vị nhé.
3 Mực nướng muối ớt
Ngoài mực nướng sa tế thì mực nướng muối ớt cũng là một cách làm mực nướng ngon đỉnh mà chị em không thể bỏ qua.
3.1. Nguyên liệu làm mực nướng muối ớt
- Mực: 500g (khoảng 2 con)
- Rượu trắng: 200ml
- Muối hột: 2 thìa
- Ớt tươi: 5 quả
- Gừng: 1 củ
- Xà lách, dưa chuột ăn kèm (tùy sở thích)
3.2. Các bước làm mực nướng muối ớt siêu ngon
Bước 1: Sơ chế mực và các nguyên liệu
- Mực mua về làm sạch, rút bỏ phần mai, túi mực rồi bóp qua với rượu trắng, gừng cho hết mùi tanh.
- Nếu phần thịt mực quá dày để mực nhanh chín thì bạn cần dùng dao khía ra nhé.
- Xà lách, dưa chuột rửa sạch để ráo. Dưa chuột gọt vỏ thái miếng vừa ăn.
Bước 2: Làm muối ớt ướp mực
Khác với mực nướng sa tế, công thức ướp mực này khá đơn giản.
- Cho muối hột cùng ớt tươi vào cối xong giã nhỏ. Bạn không nên cho quá nhiều muối kẻo mặn. Còn ớt thì thêm tùy vào khả năng ăn cay của mỗi người.
Bước 3: Ướp mực
- Cho mực đã sơ chế ở bước 1 vào bát. Trút hỗn hợp muối vừa giã vào. Dùng đũa trộn đều để mực ngấm gia vị.
- Ướp mực trong thời gian khoảng 20 – 30 phút cho mực thấm.
Bước 4: Nướng mực
Nếu có điều kiện bạn nên nướng mực bằng than hoa thì món ăn sẽ thơm và ngon hơn. Tuy nhiên, với các gia đình ở thành phố hay chung cư thì rất khó có được không gian nướng, do đó Bếp Eva gợi ý sử dụng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu thay thế.
- Xếp phần mực đã ướp vào vỉ nướng sau đó cho vào lò.
- Điều chỉnh nhiệt độ ở ngưỡng 180 độ C trong thời gian từ 8 – 10 phút tùy vào số lượng mực nướng.
- Đừng quên lật mực để mực chín vàng đều nhé.
Bước 5: Hoàn thành món mực nướng sa tế
Xếp xà lách và dưa chuột ra đĩa rồi gắp mực để lên trên. Những miếng mực chín vàng ươm nổi bật giữa màu xanh của rau và dưa chuột cực kỳ hấp dẫn.
Khi ăn, phần thịt mực chín tới nên rất ngọt thơm. Vị đậm đà, cay cay của muối ớt giúp món ăn ngon và tròn vị hơn.
Mực nướng muối ớt thích hợp cho các bữa tiệc, liên hoan với bạn bè hoặc làm món nhậu lai rai cũng cực kỳ phù hợp.
Cách chọn nguyên liệu làm mực nướng tươi ngon
Mực có rất nhiều loại như mực ống, mực trứng, mực lá, mực nang. Tuy nhiên, với món mực nướng thì nên chọn mực lá bởi loại mực này dày mình, thịt rất ngọt ngon.
Để chọn được mực lá tươi ngon bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
1. Màu sắc
Ưu tiên những con mực lá có màu nâu đậm, phần màu trắng trên thân mực sẽ nghiêng về màu sữa chứ không bị nhợt nhạt.
2. Độ đàn hồi của thịt mực
Những con mực tươi thì phần thịt cực kỳ săn chắc. Bạn có thể dùng ngón tay ấn lên trên thân mực, khi thả tay ra nếu thấy mực trở lại trạng thái ban đầu, bề mặt không bị lún xuống thì đó là mực ngon.
Trường hợp thịt mực lõm lại không trở về như lúc ban đầu thì đó là những con mực đã ươn, không nên mua.
3. Râu và mắt mực
Một mẹo nhỏ để biết mực lá có tươi hay không chính là kiểm tra râu và mắt của mực.
- Phần râu mực
Bạn lật phần râu mực lên nếu thấy ở bên dưới có các đầu xúc tua tròn dính chặt vào râu thì đó là mực tươi và ngược lại, mực bị ươn râu rất mềm và xúc tua bị nhớt.
- Mắt mực
Thường mắt mực tươi sẽ rất sáng và trong. Quan sát nếu thấy được cả con ngươi ở bên trong của mắt mực thì hãy chọn ngay nhé. Trường hợp mắt mực đục thì đó là mực bị ươn, để lâu.
4. Chọn địa điểm mua mực lá ngon
Ngoài những yếu tố trên, bạn cũng cần chọn được một địa điểm bán mực lá ngon và uy tín. Nên mua tại các cơ sở bán hải sản chất lượng. Nếu ở vùng biển có thể tới trực tiếp các khu vực tàu, thuyền đánh bắt như thế sẽ chọn được mực lá ngon, tươi và chất lượng.
Vừa rồi là 3 công thức làm mực nướng ngon bất bại mà bạn không thể bỏ qua. Nhanh tay lưu ngay những cách làm này về máy để có dịp trổ tài chiêu đãi bạn bè và người thân nhé. Chúc bạn thành công!