Cách làm nước đường hoa bưởi
Hà Nội có một số món ăn đặc trưng cả 4 mùa thơm ngát hương hoa bưởi nồng nàn, thanh tao, thơm mát.
Ví như bát tào phớ trắng mịn màng, mát lạnh sẽ không thơm ngon, tròn vị nếu thiếu hương hoa bưởi. Bát chè long nhãn, chè con ong, bánh Trung thu… sẽ mất ngon nếu thiếu thìa nước hoa bưởi thanh khiết. Món trà mạn sẽ không còn ký ức truyền thống nếu thiếu hương hoa bưởi nồng nàn, hấp dẫn mọi người mong ngóng đến mùa hoa.
Hoa bưởi tự nó không hoàn chỉnh được món ăn, đồ uống nào, nhưng hương thơm độc đáo được các bà, các chị chế biến để tạo thành hương vị không thể thiếu cho các món chè, món cháo, món bánh, mứt… rất riêng, nâng tầm đẳng cấp và đậm chất Hà Nội.
Họ để dành hương hoa bưởi để dùng cả 4 mùa bằng cách nấu nước đường hoa bưởi, trà mạn hoa bưởi rồi để cả năm được thưởng thức thứ hương thơm thú vị (chứ không phải có giá trị dinh dưỡng).
PGS TS Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) từng chia sẻ rằng, từ xa xưa người Việt đã biết đưa hương bưởi vào chế biến món ăn.
Người Hà Nội hay làm đường ướp hoa bưởi để nấu các món chè (đặc biệt là chè hoa cau), làm bánh vừa có vị ngọt đậm đà lại có thêm mùi hương ngan ngát.
Khác với tinh dầu chuối, tinh dầu dừa… tinh dầu từ hương hoa bưởi sản xuất thủ công, hoàn toàn tự nhiên nên an toàn cho người sử dụng.
Cách làm nước đường hoa bưởi như sau:
Nguyên liệu (tỉ lệ 1/1)
Hoa bưởi 1kg
Đường/1kg
Cách làm
– Hoa bưởi sơ chế, để ráo.
– Lọ/hũ tráng nước sôi rồi úp ngược, để thật khô.
Khi lọ/hũ đã khô rải một lớp hoa bưởi, rồi rải tiếp một lớp đường cát trắng vào lọ/hũ, cứ thế cho tới hết nguyên liệu thì đậy nắp thật kín, để ở môi trường bình thường.
Sau 10 ngày trở lên là có thể dùng được. Lúc này hoa bưởi và đường đã quyện tan thành nước đường hoa bưởi.
Nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để làm bánh, pha trà, nấu chè, cho vào tà phớ… cực kỳ thơm ngon, thanh mát.
Nước đường hoa bưởi muối tinh
Nguyên liệu
1kg hoa bưởi
1kg đường trắng
Một ít muối tinh luyện
Nước đun sôi để nguội
Lọ thủy tinh có nắp
Cách làm
Hòa nước đun sôi để nguội với chút muối tinh rồi nhẹ nhàng rửa từng bông hoa bưởi, tránh làm giập hoa kẻo ướp sẽ mất ngon, màu lên không đẹp. Rửa xong thì để hoa ráo bớt nước.
Xếp hoa vào hũ/lọ rồi rắc lớp đường, cứ đan xen vậy cho đến khi hết hoa và đường. Có thể điều chỉnh lượng hoa bưởi và đường (nhưng phải theo tỉ lệ 1:1). Lớp hoa trên cùng thì phủ nhiều đường hơn cho kín.
Đậy nắp hũ/lọ cho kín, sau 10 – 15 ngày tinh dầu hoa bưởi ngấm hết thì vớt xác hoa ra, vắt kiệt. Nước ép hoa bưởi cô đọng như tinh dầu, cho vào chai cất vào tủ lạnh để dùng cả năm.
Thành phẩm nước hoa bưởi này làm đẹp da, rất thơm ngon ngọt khi nấu chè, làm bánh, pha trà, hỗ trợ ngon đặc biệt cho món chè, tào phớ… Nếm thấy vị ngọt dịu nhẹ của đường, và hương thơm thanh mát của hoa bưởi.
Đường ướp hoa bưởi cho vào nước sinh tố, nấu chè, cháo, làm bánh, mứt… rất dễ ăn. Tuy hoa bưởi không thể tự hoàn chỉnh nổi một món ăn, đồ uống nhưng bằng cách làm nước đường hoa bưởi thì cả năm các món ăn hương vị Hà Nội đều được nâng tầm đẳng cấp nhờ hương hoa bưởi.
Nhưng đường hoa bưởi ngọt, người béo phì, trẻ nhỏ thừa cân, người mắc chứng tiểu đường, lượng đường trong máu cao… thì hạn chế ăn, hoặc không nên ăn.
Chưng cất hoa bưởi tại nhà
Nguyên liệu
Hoa bưởi
Đá viên to (nên dùng đá viên to, hoặc đá cục để không phải thay đá nhiều lần).
Nước lọc
Nồi sâu lòng, có nắp trũng
Cách làm
Quan trọng là kiếm được loại nồi để chưng cất nước hoa bưởi.
Đặt vào giữa nồi chưng cất 1 cái chén, rồi lèn hoa bưởi xung quanh (mỗi lần chưng khoảng 300gr hoa bưởi).
Đổ 1-2 chén nước vào nồi sao cho nước xâm xấp mặt hoa bưởi là được. Đậy nắp và đặt nồi lên bếp đun lửa vừa, thấy sôi lăn tăn thì lật ngược nắp lại. Cho nước đá lên nắp nồi.
Nước hoa bưởi bốc lên trong quá trình đun sôi, gặp đá lạnh sẽ đọng lại và chảy theo phần trũng của nắp nồi vào chén trong nồi. Đun tới khi nước trong nồi cạn là được (khoảng 45-60 phút). Trong quá trình chưng cất nên để lửa nhỏ giữ nhiệt thì nước chưng cất hoa bưởi mới đạt chất lượng.
Phần nước thu được ở chén trong nồi chính là nước cất hoa bưởi, để nguội thì trút vào chai/lọ sạch, đậy nắp kín và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Mỗi lần dùng làm chè, bánh dẻo, bánh trôi… chỉ cần cho vài giọt nước hoa bưởi là đủ thơm mát. Hoặc cho vào nước trà mạn giúp trà có hương thơm quyến rũ.
Chưng cất nước hoa bưởi thủ công tại nhà đảm bảo là hoa tươi, nguyên chất, khác hẳn nước hoa bưởi làm công nghiệp.
Cách làm trà hoa bưởi
Nguyên liệu
– Chọn trà mạn loại ngon, khô ráo.
– Hoa bưởi tươi
Tỷ lệ ướp hoa bưởi và trà là 1:3.
Cách ướp
Chuẩn bị
Sơ chế hoa bưởi sạch, dùng kéo cắt bỏ nhụy hoa bưởi – phần này chứa nhiều nước nếu ướp vào trà rất dễ thối nhũn, trà bị đắng, mất màu, mùi không ngon.
Chuẩn bị một chiếc hộp giấy nhỏ hoặc thạp gốm, sứ, nồi, rồi lót giấy báo một lớp phía trong để hút bớt ẩm.
Rải một lớp trà mỏng sau đó đến một lớp hoa mỏng, cứ thể đến khi hết hoa hoặc trà. Cuối cùng, phủ một lớp giấy bản hay giấy báo lên trên rồi đậy nắp lại.
Thông hoa khi ướp trà hoa bưởi: Trong quá trình ướp, phải đảo trà (gọi là thông hoa) để cho trà bay bớt hơi ẩm, quá trình đảo trà này phải thực hiện khoảng 2-3 tiếng 1 lần, thời gian tối thiểu để ướp trà là 8-10 tiếng (nếu được 2 ngày thì hương bưởi thấm sâu hơn).
Tiến hành sàng hoa, nhặt hoa ra khỏi trà và bắt đầu sấy trà bằng cách rang trên chảo gang ở nhiệt độ 90 độ C, hoặc máy sấy trà chuyên dụng.
Trà rang xong đã đủ độ khô, rải đều lên giấy bản thành một lớp mỏng cho trà nguội tự nhiên rồi mới cất trà vào trong hũ đựng trà để dùng dần.
Dùng hoa bưởi ướp với trà để uống hàng ngày để có tinh thần tỉnh táo, giảm căng thẳng do áp lực công việc, cuộc sống.