Ẩm thực vốn đã là nhóm đề tài… nói mãi không hết chuyện. Hàng ngàn năm phát triển, từ miếng ăn lấy no ban đầu, con người đã sáng tạo ra biết bao món ăn, không những ngon miệng mà con ngon mắt. Trong đó, bên cạnh những món ăn chính lấy no, lấy sức lao động còn có vô số món ăn chơi, món ăn theo mùa ngay từ những nguyên liệu dân dã bên mình.
Một trong những món như thế chính là sứa đỏ hay còn gọi là nộm sứa đỏ hoặc gỏi sứa đỏ. Nộm hay gỏi thì đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam rồi, nhưng nộm sứa đỏ thì có chút khác biệt. Món nộm này chỉ có ở một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội và chỉ rộ khi vào mùa sứa đỏ, tức cữ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch.
Ấn tượng đầu tiên của nhiều người về món nộm này chắc sẽ là đẹp. Món ăn gì mà đẹp như thơ, sứa thì đỏ, đậu vàng, dừa trắng, kinh giới xanh, xếp cạnh nhau có vụng đến mấy vẫn long lanh như thường.
Được biết để làm nên màu đỏ của sứa, ngay sau khi bắt về, ngâm với nước vỏ cây sú vẹt để giúp sứa không tan, giòn và màu càng đỏ tươi hơn. Khi bán cho thực khách, người bán sẽ dùng dao tre cắt sứa thành từng miếng nhỏ. Tuy vậy ngày nay, rất ít nơi còn dùng loại dao này.
Thường món ăn nào cũng có người khen, kẻ chê. Nộm sứa đỏ không ngoại lệ. Với team không ăn được thì sự kết hợp này quả là lạ lùng và không muốn thử. Khi ăn nộm sứa đỏ này cũng có điểm khác biệt, nộm không chan nước mắm pha mà chấm với mắm tôm. Còn với người đã dám thử, dám ăn thì dễ mê với cái sự giòn dai, mát của miếng sứa.
Cách thức ăn nộm sứa đỏ là bạn sẽ gắp mỗi thứ một miếng gồm sứa, đậu, dừa tươi cuộn trong rau kinh giới, tía tô rồi chấm mắm tôm đã đánh bông và thưởng thức. Nghe qua có vẻ vô lý, nhưng khi ăn mới thấy rõ được vị sứa thanh mát, giòn như thạch, đậu nướng bùi bùi và dừa ngậy béo quyện với vị mắm tôm đậm đà rất ăn ý.
Bởi mùa sứa đỏ ngắn nên thường cứ vào vụ, những người mê món này lại tranh thủ đi ăn ngay. Chưa kể mùa sứa đỏ đúng mùa miền Bắc đổi trời sang mùa hè nên món này còn được xem là món ăn giải nhiệt khá lý tưởng. Tuy hấp dẫn như vậy nhưng không có quá nhiều nơi bán nộm sứa đỏ ở Hà Nội, nếu bạn muốn ăn thử một lần, thì hãy thử một số địa chỉ dưới đây nhé!
Nộm sứa Hàng Chiếu
Có thể nói đây là hàng nộm sứa có tuổi đời, tuổi nghề lâu nhất ở Hà Nội khi đã 70 năm bánh hàng. Quán đến nay đã qua hai đời, cụ Gái – người chủ đầu tiên của gánh nộm đã ngoài 90 đã bán nộm sứa từ năm 17 tuổi. Đến nay do tuổi cao, việc bán nộm sứa được cụ truyền lại cho 2 cô con gái.
Một phần nộm sứa đỏ ở đây cũng gồm sứa, đậu, dừa thái miếng vừa ăn đi kèm đó là tía tô, kinh giới và mắm tôm chấm. Tuy nhiên theo 2 cô con gái của chị Gái thì nếu sành nhất, ăn đúng kiểu xưa thì nộm sứa còn phải ăn kèm bánh đa với lạc rang bùi.
Đồ chấm cũng không phải mắm tôm mà kiểu gốc ở Hải Phòng phải là giấm bỗng trưng sốt cà chua với mẻ. Còn ở Hà Nội, mắm tôm là loại thức chấm được ưa thích, đồng thời nếu ai không ăn được mắm tôm thì có thể thay bằng gia vị (bột canh, đường, mì chính).
Quán vỉa hè, mở bán từ khoảng 10h sáng đến 6h tối, đông nhất là tầm từ 10h đến khoảng 11, 12h trưa.
Địa chỉ: 70 Hàng Chiếu
Nộm sứa đỏ Đường Thành
Không lâu năm như nộm sứa Hàng Chiếu nhưng nộm sứa đỏ Đường Thành cũng là một địa chỉ quen thuộc với những những trót thương nhớ món ăn miền biển này. Cũng như các quán hàng khác, quán sứa đỏ Đường Thành cũng nhập sứa từ Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Sứa ở đây ngoài công đoạn sơ chế thì luôn được ngâm trong chậu cùng với chanh, quất thái lát mỏng để sứa có mùi thanh nhẹ. Một suất nộm sứa bắt mắt gồm sứa đỏ được thái miếng vừa ăn, thêm đậu Kẻ nướng vàng, dừa tươi thái lát mỏng, rau kinh giới, tía tô ăn kèm và một bát mắm tôm được đánh bông dậy mùi.
Quán nộm sứa khá nhỏ, nằm trên vỉa hè phố Đường Thành, chỉ bán từ 2h chiều và chỉ khoảng hơn 5h tối là hết hàng nên bạn hãy nhanh chân thưởng thức nhé! Một suất nộm ở đây có giá trung bình khoảng 30 ngàn đồng.
Địa chỉ: 16B Đường Thành