Dù chiếc bánh đập có vẻ bên ngoài nhìn đơn giản, nhưng chỉ khi thưởng thức, bạn mới cảm nhận được sự ngon miệng và độ hấp dẫn cùng với nét độc đáo riêng biệt của nó.
Contents
Giới thiệu về bánh đập
Bánh đập hay còn gọi là bánh chập, là đặc sản ẩm thực của miền Trung Việt Nam, không chỉ là một món ăn ngon mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo, tình cảm mà người làm nên mỗi chiếc bánh chất chứa vào trong nó. Bánh đập đặc biệt nổi tiếng tại Hội An, Quảng Ngãi, thu hút thực khách bởi hương vị độc đáo và bởi cách chế biến mang đậm nét truyền thống, dân dã của người dân nơi đây.
Tên gọi “bánh đập” xuất phát từ việc khi làm bánh, người làm phải đập nhẹ để lớp bánh tráng nướng và bánh ướt kết dính lại với nhau, do bề mặt của bánh tráng nướng vốn không bằng phẳng. Và lúc thưởng thức, thực khách cũng phải lấy tay đập nhẹ cho bánh vỡ thành nhiều phần nhỏ vừa ăn, và khiến cho miếng bánh tráng dính chặt vào lớp bánh ướt bên trong hơn.
Bánh đập là một biểu tượng của sự sáng tạo trong việc chọn lựa nguyên liệu và phối hợp vị. Lớp bánh tráng nướng mỏng giòn tan kết hợp với lớp bánh ướt mềm mịn, áo thêm phía trên một lớp mỏng mỡ hành, hành phi, lá hẹ để tạo độ kết dính, dậy mùi hơn cho món ăn, ăn kèm tôm, thịt heo luộc, thịt nướng,… chấm vào bát mắm nêm, tất cả hoà quyện với nhau làm mọi thực khách khi thưởng thức bánh đập đều không khỏi nhớ về dải đất miền Trung chất phác, mộc mạc mà đậm đà, say đắm.
Ăn bánh đập có béo không?
Theo nghiên cứu của chuyên gia, một chiếc bánh đập sẽ chứa khoảng 150-250kcal, và lượng calo cần thiết cho một bữa ăn của người bình thường sẽ rơi vào khoảng 667kcal, vì thế, nếu bạn kiểm soát tổng lượng calo hàng ngày của mình tốt thì ăn bánh đập sẽ không gây tăng cân.
Nếu bạn đang tập trung vào việc giảm cân, bạn cần quản lý lượng calo tiêu thụ một cách chặt chẽ. Bánh đập không trực tiếp gây tăng cân, miễn là bạn tiêu thụ nó một cách đúng mức, tích hợp vào chế độ ăn cân đối.
Mẹo pha tráng bột làm bánh đập
Để pha tráng bột làm lớp bánh ướt trong bánh đập đạt được độ mềm dẻo, có hương vị ngon nhất, việc chọn gạo là một bước quan trọng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của bánh đập. Người làm bánh cần ưu tiên sử dụng loại gạo dẻo, thơm ngon để tạo ra bột mịn màng, có độ đàn hồi tốt.
Gạo cần được ngâm trước khi sử dụng, giúp tăng cường độ ẩm và làm cho hạt gạo mềm tơi, giúp bột dễ xay nhuyễn hơn, mang lại độ dẻo cho lớp bánh ướt. Đối với những người làm bánh chuyên nghiệp, việc chọn loại gạo ngon và biết cách ngâm sao cho đúng tỉ lệ là một trong những yếu tố quyết định độ ngon của món bánh đập.
Khi pha bột, bột gạo cần được pha với nước theo đúng tỉ lệ, tránh tình trạng quá loãng hoặc quá đặc để đảm bảo chất lượng của lớp bánh ướt. Trước khi tráng, bột cần được khuấy nhẹ nhàng và đều tay để bột dậy mịn màng, ngăn chặn tình trạng lớp bánh sau khi tráng có kết cấu không đều, lớp dày lớp mỏng và bị lợn cợn.
Cùng lúc đó, nồi hơi tráng bánh cũng cần làm nóng tới nhiệt độ thích hợp. Đầu tiên, trước khi bắt đầu tráng, nồi hơi cần được thoa qua một lớp nước lọc để làm cho phần vải trên nồi thấm mềm và thoáng hơi. Sau đó, bạn múc thìa bột và dàn đều ra trên bề mặt miếng vải của nồi hơi. Đậy nắp nồi đợi tầm 1-2 phút là bánh chín, khéo léo dùng que tre mỏng dỡ bánh ra, tránh làm lớp bánh ướt này bị đứt nhũn.
Các công thức làm bánh đập ngon
Bánh đập chấm mắm nêm
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gạo: 1kg
- Bột năng: 90gr
- Bột đậu xanh: 60gr
- Bánh đa nướng: 5 cái
- Ớt sừng: 1 quả
- Ớt cay: 1 quả
- Dứa: ¼ quả
- Chanh: 1 quả
- Sả: 1 nhánh
- Tỏi: 3 tép
- Hành tím: 5 củ
- Hành lá
- Gia vị: đường, mắm nêm, bột ngọt, muối, dầu ăn,…
Tiến hành thực hiện
Bước 1: Xay gạo
Gạo vo sạch và ngâm trong nước khoảng 3 ngày, thay nước 2 lần mỗi ngày. Sau đó, cho gạo vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn, lưu ý rằng nên thêm nước đủ lượng, tránh để tràn ra khỏi máy. Sau khi xay nhuyễn, cho hỗn hợp bột gạo vào trong một thau, thêm 2 muỗng canh muối vào hỗn hợp và khuấy đều.
Bước 2: Lược bột
Hỗn hợp bột gạo để lắng trong khoảng 1 tiếng, rồi sử dụng miếng vải lược trải lên thau để chắt phần nước phía trên, giữ lại phần bột gạo tươi.
Bước 3: Pha bột bánh ướt
Cho 120gr bột gạo lọc tươi vào một ca đong, thêm vào đó 200ml nước lạnh, ⅓ muỗng cà phê muối và 150ml nước sôi vào khuấy đều. Cuối cùng, thêm bột năng và bột đậu xanh vào, trộn đều rồi để bột nghỉ trong 20 phút.
Bước 4: Làm lớp bánh ướt
Bắc chảo lên bếp ga, cho vào một muỗng dầu ăn rồi múc một phần bột vào chảo, đậy nắp lại cho kín. Đợi khoảng 1 phút rồi kiểm tra, nếu thấy bánh đã chín thì dùng một chiếc đũa hoặc que tre mỏng để nhẹ nhàng đưa bánh ra đĩa. Tiếp tục quét một lớp dầu ăn lên trên bề mặt chảo, rồi cho bột vào dàn đều. Lặp lại quy trình cho tới khi hết bột.
Bước 5: Nướng bánh đa
Cho bánh đa lên vỉ than để nướng, lật đều hai mặt của bánh, tránh để bị cháy.
Bước 6: Làm mỡ hành
Cho dầu ăn vào chảo nóng, rồi cho hành tím vào phi đến khi thơm vàng, rồi vớt hành ra để lọc dầu. Phần dầu đang nóng bạn cho hành lá vào trộn đều, rồi đổ ra chén.
Bước 7: Làm mắm nêm
Ớt sừng, ớt cay thái lát.
Tỏi lột vỏ, băm nhuyễn.
Dứa mua về cắt gọt loại bỏ phần vỏ và mắt dứa, lấy ¼ quả dứa.
Sả đập dập, cắt lát.
Cho tất cả nguyên liệu trên vào trong máy xay. Thêm vào máy xay khoảng 40gr đường và xay đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn thì dừng lại.
Cho hỗn hợp vừa xay vào chén mắm nêm, vắt vào thêm 1 muỗng nước cốt chanh và 1 muỗng canh nước ấm. Trộn đều tất cả lại với nhau, nêm nếm sao cho hợp với khẩu vị.
Bước 8: Hoàn thành món bánh đập chấm mắm nêm
Trải lớp bánh ướt lên trên bánh đa nướng. Rưới ít mỡ hành và hành phi lên bề mặt bánh ướt, sau đó đập bánh và gấp chúng lại làm đôi. Chấm bánh với mắm nêm và thưởng thức.
Thành phẩm
Bánh đập thực sự ngon nhất là ăn ngay khi còn nóng. Lớp bánh đa nướng giòn rụm hoàn hảo kết hợp với lớp bánh ướt mềm mịn, cùng với hương vị đậm đà của nhân mỡ hành làm dậy vị giác của người thưởng thức, thơm ngon hấp dẫn vô cùng.
Bánh đập chay Quảng Nam
Chuẩn bị nguyên liệu
- Bánh ướt
- Bánh đa
- Nấm bào ngư: 100gr
- Chao trắng: 2 miếng
- Hành tím: 2 củ
- Hành boa rô: 1 nhánh
- Chanh: 1 quả
- Gia vị: đường, nước tương, hạt nêm, tương ớt, dầu ăn,…
Tiến hành thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Nấm bào ngư mua về rửa sạch, ngâm nấm bào ngư trong nước muối loãng, sau đó cắt bỏ phần gốc, rửa lại với nước và xé nhỏ.
Hành tím lột vỏ, băm nhuyễn.
Hành boa rô thái lát.
Chanh vắt lấy nước cốt, loại bỏ hạt.
Bước 2: Xào nấm bào ngư
Bắc chảo lên bếp và thêm 1 muỗng canh dầu ăn. Khi thấy dầu nóng thì cho hành boa rô vào phi đến lúc thơm, sau đó đổ nấm bào ngư vào chảo để xào.
Nêm nếm vào 1 muỗng canh nước tương, ½ muỗng cà phê hạt nêm và ½ muỗng cà phê đường, có thể điều chỉnh sao cho vừa khẩu vị. Xào tới lúc nấm chín và thấm đều gia vị thì tắt bếp, cho nấm ra đĩa.
Bước 3: Làm nước sốt chay
Cho chao vào một bát tô, tán nhuyễn chao. Tiếp tục cho vào tô ½ muỗng canh đường, ½ muỗng hành tím băm nhuyễn, 1 muỗng canh tương ớt và 1 muỗng canh nước cốt chanh. Trộn đều tất cả nguyên liệu lại với nhau để có hỗn hợp nước sốt chay vừa ăn.
Bước 4: Gói bánh đập chay Quảng Nam
Cho bánh ướt lên miếng bánh đa, sau đó rắc lên bề mặt bánh ướt một ít nhân nấm bào ngư chay.
Rưới lên ít nước sốt chao chay và cuộn bánh lại thành hình tròn rồi thưởng thức.
Thành phẩm
Khi ăn bánh đập chay Quảng Nam, bạn sẽ cảm nhận lớp bánh đa giòn và bánh ướt mềm dẻo, phần nhân nấm bào ngư vừa ăn và nước sốt chay chua ngọt. Bạn có thể kết hợp ăn cùng rau sống và dưa leo để làm cho món ăn thêm phần tươi mát và đầy đủ hương vị hơn.
Bánh đập làm từ bánh tráng tép sấy
Chuẩn bị nguyên liệu
- Bánh ướt
- Bánh tráng
- Tép sấy: 60gr
- Hánh lá
- Mắm cá cơm
- Hành tím: 3 củ
- Tỏi: 2 tép
- Ớt: 1 quả
- Chanh: 1 quả
- Dứa: ¼ quả
- Gia vị: đường, bột ngọt, hạt nêm,…
Tiến hành thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.
Hành tím lột vỏ, băm nhuyễn.
Tỏi lột vỏ, ớt rửa sạch, đem tỏi ớt băm nhuyễn.
Chanh vắt lấy nước cốt, loại bỏ hạt chanh.
Dứa mua về gọt vỏ, cắt phần mắt dứa và chia dứa làm 4 miếng. Chỉ sử dụng 1 miếng bằng cách cắt nhỏ, băm nhuyễn dứa.
Bước 2: Làm mỡ hành
Cho dầu ăn vào chảo đun nóng, sau đó cho hành tím vào phi đến khi thơm vàng. Thả phần hành lá đã cắt nhỏ vào và trộn đều, tắt bếp.
Bước 3: Pha mắm cá cơm
Cho mắm cá cơm vào bát, cho dứa, tỏi ớt đã băm nhuyễn vào. Nêm vào thêm 2 muỗng đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt và 1 muỗng nước cốt chanh, điều chỉnh sao cho vừa với khẩu vị cá nhân rồi khuấy đều lên, để cho tất cả nguyên liệu tan và hoà quyện với nhau.
Bước 4: Hoàn thành bánh đập làm từ bánh tráng tép sấy
Cho lớp bánh ướt lên trên miếng bánh tráng. Rắc lên phía trên lớp bánh ướt đó một ít mỡ hành, tép sấy, dùng tay đập 1 đường ở giữa rồi gấp bánh lại.
Thành phẩm
Bánh đập làm từ bánh tráng tép sấy dậy vị thơm từ tép, lớp bánh ướt dai mỏng ăn cùng phần bánh tráng giòn càng hợp vị, nhân mỡ hành béo ngậy, chấm cùng mắm cá cơm làm tăng thêm đủ vị giác chua cay mặn ngọt, làm điểm nhấn giúp cho món ăn trở nên bắt miệng hơn bao giờ hết.
Tạm kết
Như vậy, bài viết vừa giới thiệu tới bạn bánh đập – một đặc sản ẩm thực độc đáo của người dân miền Trung, hy vọng thông qua bài viết bạn có thể thực hiện thành công món ăn này.
Nếu bạn đang tìm kiếm các sản phẩm như bếp từ, lò vi sóng, chảo chống dính,… chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, đừng bỏ qua gian hàng của FPT Shop nhé. Hiện nay, FPT Shop là đơn vị cung cấp các sản phẩm đồ công nghệ cao cấp, đồ gia dụng chất lượng hàng đầu,đa dạng về mẫu mã, có giá thành hợp lý. Bài viết xin đề xuất cho bạn danh sách các sản phẩm nồi chiên không dầu bán chạy nhất của cửa hàng:
Nồi chiên không dầu
Xem thêm:
Học lỏm bí kíp làm ngay món nghêu hấp Thái chua cay cực hấp dẫn, chuẩn vị tại nhà
Làm món canh cải ngọt cực dễ cùng với 3 công thức sau, ai cũng có thể làm được