Một món bánh chào mùa xuân siêu xinh, siêu ngon, và chắc chắn ai cũng thích đây ạ 😁 (Lâu rồi mới có món bánh mình dám khẳng định ai cũng thích 😉). Vỏ bánh mochi khoai môn dẻo mềm (công thức vỏ mới, dẻo hơn, mềm hơn, để tủ lạnh ngăn đá cũng không bị cứng), nhân kem phomai ngậy béo, pudding khoai môn núng nính tan ngay trong miệng, và đặc biệt là thơm nức mùi khoai môn nha. Đúng kiểu rất ngọt ngào, dễ thương, trong trẻo, mát lạnh, cực phù hợp cho mùa xuân ^^
💜 Cách làm rất rất dễ và không cần có lò nướng, cả nhà thử xem sao nhé 😉
Cách làm BÁNH MOCHI KHOAI MÔN – nhân PUDDING KEM PHOMAI
Nguyên liệu
A. Pudding khoai môn
- 10 gram gelatin dạng lá
- 150 gram kem tươi (whipping cream)
- 150 gram sữa tươi không đường
- 25 – 30 gram đường
- 50 gram bột khoai môn (loại để pha trà sữa)
* Lưu ý:
– Gelatin sẽ làm cho thạch và pudding đông kiểu mềm dẻo, “núng nính” nên không thay thế được bằng bột thạch.
– Tỉ lệ kem tươi và sữa trong công thức là tỉ lệ cơ bản, nếu muốn ít ngậy béo các bạn có thể bớt kem tươi và tăng sữa lên, nhưng pudding sẽ ít mềm hơn.
– Tỉ lệ gelatin trong công thức giúp pudding vừa đủ cứng cáp để đổ ra khỏi khuôn, nhưng vẫn mềm dẻo núng nính, nếu bạn muốn pudding cứng hơn để dễ xử lý hơn thì tăng lượng gelatin lên.
– Bột khoai môn pha trà sữa các bạn có thể mua tại shoppee hoặc các cửa hàng bán đồ làm bánh, bột càng thơm bánh sẽ càng thơm (nên mua các loại bột nhập khẩu Đài Loan). Bột này không bắt buộc nhưng nếu có sẽ thơm hơn rất nhiều và tạo vị khoai môn cho bánh.
B. Nhân kem phomai
- 35 gram phomai kem (cream cheese, để mềm ở nhiệt độ phòng)
- 20 – 25 gram sữa đặc
- 110 gram kem tươi (whipping cream)
C. Vỏ bánh mochi
- 140 gram bột nếp
- 30 gram bột ngô
- 1 nhúm muối nhỏ
- 60 gram đường
- 15 gram bột khoai môn (loại để pha trà sữa)
- 215 gram sữa tươi không đường
- 15 gram dầu ăn
- Màu thực phẩm tím (không bắt buộc)
- 20 gram bơ động vật không muối
* Lưu ý về nguyên liệu
Bột nếp nên dùng bột nếp Thái (gói màu xanh lá), vị thơm ngon hơn nhiều và bánh cũng dẻo dai hơn so với bột nếp Việt Nam.
Cách làm
A. Pudding khoai môn
1. Ngâm gelatin vào nước đá lạnh tới khi gelatin mềm ra.
2. Cho vào nồi sữa tươi, kem tươi, đường, bột khoai môn, đun hỗn hợp trên lửa vừa, vừa đun vừa khuấy đều đến khi bột khoai môn và đường tan hết, hỗn hợp nóng, gần sôi thì tắt bếp.
Lưu ý:
– Chỉ đun đến khi hỗn hợp ấm nóng (khoảng 75 – 80℃), không đun đến khi sôi vì sẽ làm sữa và kem tươi vị tách béo.
– Ở bước này nếu muốn màu tím đậm hơn thì dùng thêm màu thực phẩm tím
3. Vắt kiệt nước lá gelatin đã ngâm mềm và cho vào kem sữa, dùng phới khuấy nhanh tay đến khi gelatin tan hoàn toàn.
4. Nhẹ nhàng đổ pudding vào khuôn, tránh tạo bọt. Để pudding nguội hoàn toàn rồi cho vào tủ lạnh 4 – 6 giờ tới khi đông lại hoàn toàn.
5. Cách lấy pudding ra khỏi khuôn: Nhúng cả khuôn bánh vào nước nóng trong khoảng 2 – 3 giây sau đó úp ngược khuôn để lấy panna cotta ra. Không dùng nước sôi và nhúng khuôn quá lâu sẽ làm pudding bị chảy quá.
6. Để vào tủ lạnh khoảng 20 phút cho pudding cứng cáp trở lại, sau đó cắt thành các miếng vuông kích thước khoảng 3 – 4 cm. Giữ lạnh tới khi dùng
B. Nhân kem phomai
1. Đánh cream cheese với sữa đặc ở tốc độ thấp nhất tới khi cream cheese nhuyễn mịn hoàn toàn.
2. Cho từ từ kem tươi lạnh vào, đánh tới khi kem bông cứng.
3. Cho kem vào túi bắt kem, giữ lạnh tới khi dùng.
C. Vỏ bánh mochi
1. Trộn đều bột nếp, bột ngô, bột khoai môn, đường.
2. Cho sữa tươi, dầu ăn vào âu, trộn tới khi hòa quyện hoàn toàn. Lọc lại hỗn hợp qua rây.
3. Dùng nilon (dùng được cho lò vi sóng) hoặc âu đậy miệng bát, quay trong lò vi sóng ở mức trung bình trong khoảng 2 – 3 phút tới khi mochi chín 1 nửa, trên mặt bột đã se lại nhưng ở giữa vẫn còn bột sống.
4. Dùng phới trộn đều bát bột, tiếp tục quay trong lò vi sóng thêm khoảng 2 phút tới khi mochi chín hoàn toàn, không còn thấy bột sống.
* Nếu không có lò vi sóng, bạn có thể hấp cách thủy nhé.
5. Khi mochi còn nóng, cho bơ vào, trộn tới khi bơ hòa quyện vào bột.
6. Thực hiện thao tác kéo – gập bột khoảng 10 – 15 lần tới khi mochi dẻo mịn, có thể tạo màng mỏng không bị rách.
D. Tạo hình
1. Đeo găng nilon để chống dính tay, phủ 1 lớp bột ngô lên mặt bàn và cây cán bột.
2. Chia bột thành từng phần 45 gram. Các thao tác cán bột, bơm nhân kem, cho pudding khoai môn và gói bột lại, cắt bớt phần bột thừa bạn xem cụ thể trong video nhé.
3. Để mochi tròn đẹp, để bánh vào hộp bán cầu (loại hay dùng để bánh trung thu Đài Loan), cho bánh vào tủ lạnh tối thiểu 2 – 3 tiếng để bánh định hình rồi mới cắt.
* Bảo quản:
– Nếu bạn dùng bột nếp Thái, có thể bọc kín và để ngăn mát tủ lạnh trong 2 – 3 ngày, tuy nhiên nên ăn sớm vì để càng lâu bánh sẽ càng khô đi. Nếu dùng bột nếp Việt Nam thì chỉ nên ăn trong ngày vì bánh dễ bị lại gạo.
– Công thức vỏ bánh này có thể để ngăn đá mà vẫn dẻo mềm, bạn có thể làm mochi nhân kem lạnh, tuy nhiên sẽ không làm được nhân pudding ở giữa (vì pudding không để được ngăn đá).