Bánh cay là món ăn vặt rất phổ biến gắn liền với những thế hệ 8x, 9x. Món ngon hấp dẫn bởi lớp vỏ giòn rụm, tan ngay trong miệng với hương vị đậm đà, cay xè lưỡi. Nếu bạn muốn thưởng thức lại món ăn vặt của tuổi thơ này thì cùng vào bếp với VinID thực hiện cách làm bánh cay siêu đơn giản nhé!
Contents
1. Cách làm bánh cay đơn giản mà ngon “nhức nách”
1.1. Bánh cay khoai mì truyền thống
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- 1kg khoai mì
- 4 trái ớt
- 2 muỗng cafe đường
- ½ muỗng cafe bột nghệ
- 3 muỗng cafe hạt nêm
- 1 muỗng cafe bột ngọt
- Dầu ăn, muối
- Dụng cụ: Dao, dao bào, chảo, tô, bao tay nilon, giấy thấm dầu,….
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
- Khoai mì gọt vỏ, ngâm nước muối loãng 2 – 3 tiếng hoặc qua đêm cho khoai bớt mủ. Rửa thật sạch khoai mì với nước lạnh rồi để ráo.
- Dùng dao bào nhỏ khoai mì vào tô, vắt cho khoai mì bớt nước. Không nên vắt quá khô để khoai mì còn có độ ẩm thì mới nặn thành viên được.
Bước 3: Trộn và tạo hình bánh cay
- Trộn đều khoai mì đã bào với ớt bằm, 3 muỗng cafe hạt nêm, 2 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe bột nghệ, 1 muỗng cafe bột ngọt.
- Đeo bao tay vào và lấy phần bột vừa trộn vo thành những viên thon dài, kích thước khoảng 2 – 3cm.
Bước 4: Chiên bánh cay
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng trên lửa vừa. Cho từng viên bánh vào chiên (không thả quá nhiều để tránh bị dính).
- Chiên cho đến khi bánh cay chín vàng đều các mặt, vớt ra đĩa lót sẵn giấy thấm dầu.
Bước 5: Thành phẩm
Từng miếng bánh cay vàng ruộm, thơm nồng, giòn tan, vị ngon khó cưỡng. Bạn có thể ăn không hoặc ăn kèm với tương ớt đều rất ngon.
1.2. Bánh cay khoai lang
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- Khoai lang: 1kg
- Thịt băm: 50g
- Ớt xay: 2 muỗng cafe
- Hành lá: 3 cọng
- Hạt nêm: 1 muỗng cafe
- Nước mắm: ½ muỗng cafe
- Ớt bột: 1 muỗng cafe
- Muối: 1 ít
- Dụng cụ: Dao, dao bào, chảo, tô, muỗng, giấy thấm dầu,….
Bước 2: Bào khoai lang
- Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, ngâm nước muối để loại bỏ bớt nhựa.
- Dùng dao bào khoai lang vào tô rồi bóp cho ráo nước.
Bước 3: Trộn hỗn hợp
- Cho vào tô khoai lang 1 muỗng cafe hạt nêm, ½ muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe ớt bột, 2 muỗng cafe ớt xay, hành lá thái nhỏ, 50g thịt băm.
- Trộn đều cho tất cả các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau.
Bước 4: Tạo hình bánh cay
- Chia hỗn hợp bánh thành nhiều phần rồi cho lên 1 chiếc muỗng nắn sao cho vừa với kích thước của muỗng.
Bước 5: Chiên bánh
- Bắc chảo dầu lên bếp, đun sôi với lửa vừa rồi cho bánh cay vào chiên đến khi chín vàng đều các mặt. Vớt bánh ra đĩa lót sẵn giấy thấm dầu.
Bước 6: Thành phẩm
Khi cắn miếng bánh cay bạn sẽ cảm nhận được sự giòn rụm, phần thịt bên trong bùi béo, hòa chung với khoai lang bùi bùi và gia vị cay cay vô cùng thơm ngon.
1.3. Bánh cay khoai tây
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
- 3 – 4 củ khoai tây
- 2 quả ớt xanh
- ½ bó rau mùi
- Bột ớt đỏ
- Muối
- Bột Garam Masala
- Bột Garam
- Bột nghệ
- Dầu ăn
- Dụng cụ: Dao, thớt, nồi, tô, chảo, muỗng, giấy thấm dầu,…
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
- Khoai tây để nguyên vỏ, rửa thật sạch.
- Ớt xanh bỏ cuống, rửa sạch, thái khoanh tròn nhỏ hoặc băm nhỏ.
- Rau mùi bỏ rễ, rửa sạch, để ráo, thái vụn.
Bước 3: Luộc khoai tây
- Cho khoai tây vào nồi, đổ nước ngập khoai là được.
- Thêm một chút muối vào cùng và bắc nồi lên bếp đun lửa lớn đến khi khoai chín nhừ thì vớt ra cho ráo nước và để nguội tự nhiên.
Bước 4: Trộn hỗn hợp
- Bóc hết vỏ khoai tây rồi dùng muỗng nghiền nhuyễn khoai tây. Chú ý nghiền thật mịn để không bị vón cục.
- Cho khoai tây đã nghiền vào tô lớn cùng: rau mùi thái nhỏ, ớt xanh, 1 muỗng cafe ớt bột, 1 muỗng cafe muối, 1 – 2 muỗng cafe bột Garam Masala.
- Trộn thật đều hỗn hợp và để yên khoảng 15 – 20 phút cho khoai thấm gia vị.
- Lấy 1 cái tô khác, cho vào: 1 chén bột Graham, ½ muỗng cafe bột ớt, ½ muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe bột nghệ.
- Đổ thêm 1 chút xíu nước vào và bắt đầu hòa tan hỗn hợp bột trên.
- Đổ hỗn hợp bột loãng này vào bát khoai tây và trộn thật đều.
Bước 5: Chiên bánh
- Dùng muỗng múc lượng khoai tây vừa đủ vào lòng bàn tay và nặn thành hình tròn.
- Làm tương tự đến khi hết khoai tây. Nặn được cái bánh nào thì xếp ngay ra đĩa.
- Bắc chảo lên bếp, thêm thật nhiều dầu ăn vào đun sôi trên lửa vừa. Thả từng viên bánh khoai cay vào chiên vàng.
- Nhớ lật bánh thường xuyên hoặc đảo tròn bánh để viên bánh được vàng đều ở các mặt.
- Vớt bánh ra đĩa đã lót 1 lớp giấy thấm dầu.
Bước 6: Thành phẩm
Bánh khoai tây cay hay còn có tên gọi là Aloo Bonda – món ngon có nguồn gốc từ Ấn Độ. Món ăn sử dụng bột Graham (bột làm bánh quy) nên thành phẩm sau khi chế biến có một hương vị rất riêng, ngon đến khó tả. Thêm chút tương ớt ăn kèm thì ngon hết ý.
2. Bí quyết làm món bánh cay ngon
2.1. Cách chọn nguyên liệu đúng chuẩn
Chọn khoai mì:
- Nên chọn khoai mì tươi, mập mạp, thẳng, không bị xước, dập hoặc rạn nứt, vỏ mỡ màng thì sẽ có ít xơ, mềm ngọt hơn.
- Dùng móng tay cạo nhẹ phần vỏ mỏng phía ngoài khoai mì. Nếu lớp vỏ phía trong có màu hồng nhạt thì chọn, màu trắng thì nên bỏ qua. Bởi lớp vỏ màu hồng sẽ có ít độc tố hơn lớp vỏ màu trắng.
- Không nên để khoai mì quá lâu vì sẽ làm củ bị chai sượng, khô, khi chế biến không còn ngon nữa.
- Khoai mì có độc tố nên tốt nhất bạn ngâm khoảng vài tiếng – 1 ngày trước khi làm bánh cay nhé!
Chọn khoai lang:
- Chọn khoai lang có dạng hình tròn hoặc thuôn dài, không có eo, có lớp vỏ lành lặn, không bị nứt, sứt mẻ. Cầm chắc tay, nặng, không bị dập.
- Khi ấn tay vào thấy củ không cứng lắm, những củ này thường ít xơ, nhiều bột và ăn rất ngọt.
- Tránh chọn củ có màu đen hoặc bị rỗ vì đây là dấu hiệu cho thấy khoai đã hỏng.
- Không chọn những củ quá nhỏ, có eo và bị hõm bởi chúng chứa nhiều chất xơ, khi ăn sẽ không ngon.
Chọn khoai tây:
- Nên chọn khoai tây cầm nặng, chắc tay, lành lặn và phần vỏ trơn nhẵn. Khoai tây vàng sẽ ngon và ngọt hơn so với những củ màu hơi ngả màu trắng.
- Không chọn khoai tây nhăn nheo, ấn vào thấy mềm, có mắt đen, bị sâu hay chảy nước.
- Tuyệt đối không chọn khoai phần da chuyển sang màu xanh hoặc mọc mầm bởi chứa độc tính không tốt cho sức khỏe.
2.2. Lưu ý khi chế biến món bánh cay
- Nếu bạn không ăn được cay thì có thể gia giảm nguyên liệu tùy khẩu vị.
- Lúc chiên bánh cay cần cho ngập dầu thì bánh mới vàng ruộm, chín đều từ trong ra ngoài.
- Bánh cay nên ăn khi nóng mới giữ được sự giòn thơm.
- Không nên để bánh cay quá lâu bên ngoài không khí vì độ giòn của thành phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Nếu ăn không hết bạn có thể cho bánh vào hộp kín và đậy chặt nắp lại.
Cách làm bánh cay thật nhanh và đơn giản phải không? Vào những ngày mưa rả rích mà có một đĩa bánh cay để nhâm nhi thì còn gì tuyệt vời bằng. Hy vọng với công thức mà VinID chia sẻ sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi vào bếp và có một món ăn vặt hấp dẫn để chiêu đãi người thân và bạn bè của mình.
Đừng quên đến ngay siêu thị WinMart/WinMart+ hoặc truy cập VinID giá sốc để mua nguyên liệu tươi sạch, chất lượng về chế biến món bánh cay nhé!
>>> Cách làm bánh kẹp giòn rụm <<<