Đến Móng Cái ăn món măng tây xào tôm nõn Món ngon từ quả cọ nơi đất Tổ Cá khoai, ăn hoài không béo Ngọt giòn ốc bươu đồng nướng tiêu sọ
Tương truyền, vào thời An Dương Vương, món bún xào cần có mặt trong thực đơn đãi khách của nhà vua khi tiếp đoàn chúa đất Nam Hải Triệu Đà sang hỏi cưới công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy. Năm đó, khi Triệu Đà sang ngỏ ý hỏi cưới công chúa Mỵ Châu cho con trai Trọng Thủy, vua An Dương Vương đã nhận lời để giữ mối hòa thuận bang giao giữa hai bên. Vua cũng ra lệnh cho đầu bếp chuẩn bị yến tiệc linh đình với những món ăn ngon của Âu Lạc để thết đãi khách; các vị quân binh cũng được trưng dụng phục vụ nhà bếp dịp này.
Để phục vụ kịp thời cho bữa yến tiệc, nhà bếp miệt mài làm việc từ hôm trước, làm thâu đêm. Gà gáy canh ba, những người lính vẫn hối hả xay bột để kịp làm xong món bánh đặc sản trước khi trời sáng. Một người lính vì quá mệt nhọc và buồn ngủ đã sơ ý đổ bột vào một chiếc rổ xảo đang ngâm trong vạc nước sôi. Giật mình, người lính vội nhấc rổ xảo lên, thì bột đã kết thành nhiều sợi dài qua mắt xảo. Chưa kịp phi tang thì lỗi lầm của người lính đã bị quan bếp phát hiện. Thương người lính làm việc thâu đêm vất vả, lại tiếc của, nên quan bếp bèn sai người lính nọ xuống vặt một nắm rau cần bên bờ giếng Ngọc để nấu với mớ sợi bột ăn cho đỡ phí. Sẵn ít tóp mỡ thừa, quan bếp cho vào đảo cùng với rau cần và sợi bột chín làm món lót dạ qua đêm cho đội làm bếp. Mùi thơm của rau cần quyện với mỡ bốc lên thơm nức cả gian bếp.
Đúng lúc ấy, một vị cận thần của nhà vua xuống kiểm tra công việc làm bếp, thấy chảo thức ăn có mùi thơm quyến rũ, ông liền hỏi quan đầu bếp tên món ăn và được biết là “món xêu”. Có lẽ lúc đó quan bếp bị lúng túng, vì là món ăn lần đầu tiên làm, chưa có tên gọi, định nói theo âm thanh nghe được khi làm món ăn là “xèo”, không biết làm thế nào để vị cận thần nghe thành “món xêu”. Vị cận thần do cũng thức đêm, bụng đã đói, lại nghe tên món ăn lạ liền ngỏ ý nếm thử, ông thấy “món xêu” rất ngon. Vị cận thần tâu lên vua, vua cũng nếm thử, khen ngon, dễ ăn, lạ miệng và ra lệnh đưa vào thực đơn đãi khách.
Đại tiệc đãi khách ngày hôm sau, món xêu đã trở thành một bất ngờ lớn đối với các vị quan khách đất Nam Hải, bởi sự độc đáo của hương vị món ăn không giống bất cứ hương vị món ăn nào. Từ đó món xêu trở thành đặc sản của Cổ Loa, về sau lan truyền ra khắp vùng đồng bằng Bắc bộ, gắn liền với ý nghĩa của ngày dạm hỏi Mỵ Châu. Những sợi bột chín dùng xào rau cần khi ấy, là món bún ngày nay. Và dân làng Cổ Loa từ đấy, cứ đến ngày 13/8 âm lịch hàng năm (ngày hỏi cưới công chúa Mỵ Châu) lại làm món bún xào cần như một món ăn truyền thống; dần dà người ta gọi ngày 13/8 âm lịch là ngày “xêu bà chúa”.
Ngày nay, ở vùng dân cư quanh khu vực giếng Ngọc khi xưa được gọi với tên làng Mạch Tràng, người dân vẫn duy trì việc làm bún như một nghề chính. Người làng Mạch Tràng đã phát triển nghề bún trở thành kỹ xảo với việc ngâm gạo, ủ bột cho món bún ngon hơn; sợi bún cũng được làm dai và rất dài, tạo cho người được thưởng thức một cảm giác cuốn hút. Loại bún dùng xào với rau cần lại được cải tạo cách làm cho sợi ngắn hơn, gọi là bún rối; tuy nhiên món bún xào cần lại không được phổ biến đối với người Hà Nội ngày nay. Và vùng Cổ Loa, mỗi dịp vào hội, nhằm ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người ta vẫn nhắc về “món xêu” như một niềm tự hào.
Có một điều đặc biệt thú vị, có lẽ cũng không còn nhiều người để ý. Ở làng bún Phú Đô (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) trước đây vẫn thường sản xuất một loại bún với tên gọi “bún răng bừa” hay còn gọi là bún “sêu”, sợi bún thường được vắt dài tương tự những chiếc răng bừa. Bún răng bừa lại là sính lễ không thể thiếu trong những dịp hỏi cưới của dân làng ngày trước. Món bún của làng Mạch Tràng và của làng Phú Đô được làm ở hai nơi khác nhau, nhưng lại được gọi với tên gọi đồng âm “xêu – sêu” và đều được dùng cho dịp lễ hỏi cưới. Liệu có mối liên hệ nào giữa hai làng nghề bún?