Bánh cáy là món quà vặt nổi tiếng lâu đời của người dân tỉnh Thái Bình, là sự kết hợp hài hoà của nhiều tầng hương vị khác nhau. Bạn hoàn toàn có thể tự làm bánh cáy tại nhà để chiêu đãi các thành viên trong gia đình với hướng dẫn dưới đây.
Contents
Bánh cáy là bánh gì?
Bánh cáy là loại bánh được làm từ gạo nếp, mạch nha, vừng, đậu phộng, vỏ quýt, gừng,… Những nguyên liệu này kết hợp với nhau tạo nên vị ngọt thơm và bùi ngậy tự nhiên cho món ăn. Ngoài ra, người ta còn nhớ đến bánh cáy bởi sắc đỏ của gấc và sắc vàng đến từ quả dành dành.
Bánh cáy thường có hình chữ nhật, thân dài, nhỏ, bề mặt điểm xuyết gừng và cơm dừa bào sợi. Món ăn này thường xuất hiện trong ngày Tết trên mâm cúng ông bà tổ tiên và được đặt cạnh các loại bánh quen thuộc như bánh chưng, bánh dày,…
Nguồn gốc của bánh cáy
Bánh cáy là đặc sản của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Người đầu tiên làm ra loại bánh này là bà Nguyễn Thị Tần, sau bà đem công thức đó truyền lại cho dân làng và được lưu giữ tới ngày nay. Nhiều người lầm tưởng bánh có nguyên liệu chính là thịt con cáy nhưng thực chất món ăn này được làm từ gạo nếp, vừng, lạc,… kết hợp với các loại quả và lá khác nhau.
Cách làm bánh cáy Thái Bình
Để có được thành phẩm bánh cáy với màu sắc đẹp mắt và hương vị thơm ngon, bạn thực hiện các bước sau đây:
1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 300gr mỡ đường (mỡ đã ướp với 300gr đường và 50gr muối trong nửa tháng)
- 0.3gr trứng cáy (gạch cáy)
- 1 quả gấc
- 1kg gạo nếp
- 100gr vừng
- 200gr lạc
- 1 củ cà rốt
- 5 quả dành dành chín
- 1 củ gừng
- 5gr vỏ quýt.
2. Cách làm bánh cáy
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên, bạn vo và đãi lại gạo nếp đã ngâm qua đêm dưới vòi nước sạch. Sau đó, bạn đem gạo đi rang cho đến khi chúng nổ thành bỏng thì lọc sạch vỏ trấu để bánh không bị sạn.
Bước 2: Xào mỡ đường
Bạn tiến hành thái hạt lựu mỡ đường, mỡ này đã ướp với hỗn hợp muối và đường trong 15 ngày. Kế tiếp, bạn bắc chảo lên bếp gas rồi cho mỡ đã ướp vào xào với đường cho đến khi mỡ chuyển màu trong và đạt kết cấu giòn thì tắt bếp.
Bước 3: Làm kẹo nước đường
Bạn hoà hai bát nước, trong đó có một bát nước đường và một bát nước gừng. Khi đã hoà xong, bạn làm nóng chảo rồi xào cà rốt với nước đường, nước gừng và vỏ quýt tươi. Bạn tắt bếp khi cà rốt đã chín tới.
Lưu ý, bạn hãy ưu tiên chảo chống dính để đảm bảo thành phẩm cuối cùng được như mong muốn, tránh làm đường dính hoặc bị cháy ở đáy chảo.
Bước 4: Làm hỗn hợp gạo nếp
Bạn tiếp tục chia gạo nếp thành 2 phần. Phần thứ nhất đồ với thịt gấc, phần thứ hai đồ với nước dành dành. Xôi sau khi đồ bạn cho vào cối giã cho đến khi nó mềm mịn như bột.
Khi xôi đã nhuyễn, bạn tiến hành cán và cắt chúng thành những lát mỏng vừa ăn rồi đem sấy khô. Tiếp theo, bạn trút mỡ đường vào chảo nóng rồi đổ bột đã sấy vào. Bạn đảo đều tay tới khi bánh giòn, toả mùi thơm.
Bước 5: Cho hỗn hợp vào khuôn
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bạn cho tất cả vào một âu lớn, thêm đường mía và và tiến hành trộn đều. Kế đó, bạn sên hỗn hợp trên chảo, khi bánh bắt đầu dậy mùi, bạn đổ chúng ra khuôn đã rải sẵn vừng rang và dùng tay ép cho đến khi bánh chặt. Sau 30 phút, bánh nguội và dần cứng lại, bạn dùng dao, thước gỗ bản to để cắt chúng thành các khoanh đều nhau.
Bước 6: Thành phẩm
Bánh sau khi hoàn thành bạn có thể bày ra đĩa để thưởng thức chung với nước trà. Bánh cáy có kết cấu dẻo dai, vị ngọt, bùi bùi, hoà với chút cay nồng của gừng rất “nịnh miệng” người thưởng thức. Nhâm nhi cùng tách trà nóng là chuẩn vị!
Tạm kết
Bánh cáy là món ăn vừa quen lại vừa lạ. Bài viết dưới đây đã cung cấp cho bạn những thông tin thú vị cũng như cách làm loại bánh đặc sản trứ danh của tỉnh Thái Bình. Nếu đã lỡ yêu thích món ăn này, hãy tham khảo bí kíp chế biến và vào bếp ngay nhé!
Xem thêm:
- Bật mí cách bánh mì sandwich thơm ngon, tơi xốp, mềm mịn, đơn giản ngay tại nhà
- Ba bước làm bánh chuối yến mạch bằng nồi chiên không dầu siêu đơn giản