Mấy ngày gần đây đã bắt đầu thấy không khí Tết tràn ngập trên Facebook khi chị em rủ nhau gói bánh chưng, bánh tét, sên mứt, làm bánh để đãi khách. Về các đồ ngọt ngày Tết, ngoài những món cổ truyền như chè kho, các loại mứt… thì bánh quy, kẹo cũng là một phần không thể thiếu. Thay cho hộp bánh quy công nghiệp là những chiếc bánh quy thơm phức mùi bơ do nhà “trồng”, niềm vui đầu Xuân có lẽ sẽ càng được nhân lên gấp bội.
Savoury Days có khá nhiều công thức bánh quy khác nhau, trong tuần tới mình sẽ tổng hợp lại trong bài viết riêng về các món ăn cho ngày Tết để các bạn tiện tìm kiếm nhé. Còn hôm nay mình muốn giới thiệu một món bánh mới thử nghiệm, chắc là sẽ rất hợp cho ngày Tết. Bánh xốp, thơm ngậy, nhưng lại có vị trà xanh thơm mát nên nhấm nháp sau bữa ăn nhiều nếp và thịt mỡ béo ngậy, có lẽ sẽ làm bụng dạ nhẹ nhàng hơn rất nhiều 🙂
Nguyên liệu
- 140gram bột mì đa dụng
- 30gram bột ngô (corn starch)
- 10 – 15gram bột trà xanh (matcha powder)
- 160gram bơ nhạt – để mềm nhưng không chảy nhão
- 1 nhúm nhỏ muối
- 100gram đường hạt mịn
- 1 lòng trắng trứng to (35 – 38gram) – nhiệt độ phòng
- 3ml (1/2 tsp) vani chiết xuất (không bắt buộc)
(*) Ghi chú:
– Bơ là nguyên liệu chính tạo nên mùi vị thơm ngon cho bánh, vì vậy nên chọn loại bơ động vật ngon. Thay thế bằng bơ thực vật/ magarines sẽ giúp bánh cứng cáp hơn nhưng cũng kém ngon hơn. Không thay bơ bằng kem tươi, mascarpone, cream cheese…
– Có thể thay tổng lượng bột trong công thức (170gr) bằng lượng cake flour tương đương
– Lượng trà xanh tùy thuộc chất lượng bột trà và ý muốn của các bạn về độ đậm nhạt của mùi trà trong bánh. Mình dùng 12gram. Nếu cho nhiều bột trà, cần tăng thêm đường để tránh vị đắng của trà át vị ngọt.
– Nếu muốn làm vị chocolate, giảm 10gram bột ngô và thay bột trà bằng 15 – 20gram bột cacao nguyên chất
Cách làm
Bánh được làm theo phương pháp Creaming, các thao tác và lưu ý các bạn có thể xem trong công thức bánh quy Melting moment.
1. Rây mịn bột mì, bột ngô và bột trà xanh, trộn đều.
2. Đánh bông bơ với muối, đường. Cho lòng trắng trứng và va-ni vào, đánh cho hòa quyện.
(*) Bánh nở và có độ xốp là nhờ bọt khí trong bơ đánh bông. Bơ càng bông thì bánh càng nở xốp. Tuy nhiên, nếu muốn bắt bánh thành hình bông hoa thì chỉ nên đánh bơ vừa phải. Mình dùng máy đánh trứng cầm tay công suất 550W, đánh mất khoảng 3-4 phút (đường không nhất thiết phải tan hết).
3. Chia bột thành 2- 3 phần, cho từng phần vào âu, trộn đều.
(*) Nên dùng âu thành cao và trộn bằng phới trước rồi mới dùng máy đánh cho đều, tránh cho bột bay và bắn ra ngoài.
4. Lót giấy nến hoặc tấm nướng Silicon vào khay. Cho bột vào túi nilon, dùng đui Wilton 1M (đui sò mở 6 cánh), giữ túi thẳng đứng, vuông góc với mặt khay. Bắt vòng từ ngoài vào trong để tạo hình búp hoa. Cho cả khay bột vào ngăn mát tủ lạnh để tối thiểu 60 phút cho bột cứng lại (khi nướng sẽ giữ hình hoa tốt hơn).
Nếu không muốn bắt hình búp hoa, có thể viên bột thành hình trụ tròn, rồi gói lại bằng nilon hoặc giấy nến, để ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 30 phút rồi dùng dao sắc cắt thành nhiều miếng bánh hình tròn.
Cách tạo hình đơn giản hơn nữa là viên bột thành viên tròn rồi ấn dẹt (xem ví dụ trong bài Melting moment hoặc Chocolate chip cookie).
(*) Không nên dùng khay đen đi kèm với lò vì nhiệt độ khay thường cao hơn, dễ làm cháy đế bánh
5. Làm nóng lò trước khi nướng 15 phút, nhiệt độ 150 – 155 độ C. Khi lò đã đủ nóng, cho bánh vào nướng trong khoảng 25 – 30 phút.
(*) Cần nướng bánh ở nhiệt độ đủ thấp và thời gian đủ dài để giữ màu xanh của bánh (nhiệt độ cao sẽ làm bánh ngả nâu vàng) và làm cho bánh đủ khô giòn. Việc chỉnh nhiệt độ và thời gian sẽ tùy thuộc vào lò. Như với lò của mình thì mình nướng 15 phút đầu ở nhiệt độ 150 độ C, sau đó hạ xuống 140 độ C trong 10 phút tiếp theo. Rồi hạ tiếp xuống 130 độ C nướng thêm 15 phút.
Bánh nướng xong nếu chưa đủ giòn, có thể bật lò ở 100 – 110 độ C rồi cho tất cả bánh vào sấy trong 7 – 10 phút (không sấy quá lâu sẽ làm bánh bị khô cứng).
Bảo quản bánh trong túi hoặc hộp kín, có thêm túi hút ẩm. Nếu bảo quản tốt, bánh có thể dùng trong 2 – 3 tuần