Bánh phục linh là loại bánh có nguồn gốc từ Quảng Ngãi. Bánh phục linh được làm từ bột năng hoặc bột mì, nước cốt dừa, đường và thêm tí lá dứa hoặc củ dền để có màu sắc bắt mắt và mùi thơm. Bánh trông “nhàm”, nhưng lại rất thu hút tụi con nít ngày xưa, đây chính là món bánh tuổi thơ của nhiều người.
Contents
Bánh phục linh là gì?
Bánh phục linh có thể được ăn vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, bạn rất dễ dàng bắt gặp loại bánh này vào gần gần dịp Tết. Trên bàn thờ cúng tổ tiên của người miền Tây thường hay có mấy loại bánh màu xanh xanh đỏ đỏ đẹp mắt, loại bánh mà bọn trẻ con thời xưa hay chực chờ xem khi nào ba mẹ cúng xong để được ăn những chiếc bánh ấy. Đó chính là bánh phục linh.
Cách làm bánh khá là đơn giản, bột mì tinh được rang trên chảo cho đến khi chín, với những người thợ có kinh nghiệm sẽ thường cho thêm vào vài miếng lá dứa cắt sẵn. Bởi vì làm như thế thì bột sẽ thơm hơn, và khi lá khô thì cũng là lúc cần nhấc chảo xuống. Bột chín sẽ được trộn với nước cốt dừa và các màu nhuộm tự nhiên từ thực phẩm như lá dứa, củ dền, củ nghệ… Bột được trộn sao cho thật tơi, vừa đảm bảo đủ ẩm để nén thành khối mà không vỡ, vừa phải đủ khô để không bị “chèm nhẹp” khi lấy ra khỏi khuôn. Nghe có vẻ phức tạp nhưng thật ra không khó chút nào, hãy để FPT Shop mách bạn cách thực hiện vô cùng đơn giản dưới đây nhé!
Nguyên liệu làm bánh phục linh
Nguyên liệu để làm bánh phục linh rất đơn giản và dễ dàng tìm được. Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:
- Bột năng: 200 gram.
- Nước cốt dừa: 150 – 200ml (bạn có thể sử dụng nước cốt dừa đóng hộp hoặc tự vắt từ cơm dừa già).
- Nước cốt lá dứa: 2 muỗng canh.
- Lá dứa: khoảng từ 5 đến 7 lá.
- Đường: 100 gram.
Các bước làm bánh phục linh
Bước 1: Rang bột
- Rửa và để khô lá dứa, sau đó cắt thành từng khúc nhỏ khoảng 2 đốt tay.
- Cho bột và lá dứa vào một cái chảo chống dính. Sau đó, rang hỗn hợp trong chảo trên lửa nhỏ, đảo đều tay để đảm bảo bột năng chín đều.
- Để kiểm tra độ chín của bột, bạn hãy bóp thử lá dứa, nếu giòn, dễ gãy thì bột năng đã chín.
- Tắt bếp và để hỗn hợp nguội. Rây bỏ phần lá dứa.
Bước 2: Làm nước cốt dừa
- Cách lấy nước cốt dừa từ cơm dừa già: Cho nửa lít nước ấm vào dừa, nhồi rồi vắt lấy nước cốt lược lại qua rây cho thật sạch vụn xác dừa lấy khoảng 100ml nước cốt dừa.
- Cho 50 gram đường và nước cốt dừa vào một cái nồi, nấu đến khi đường tan hoàn toàn và hỗn hợp sánh lại.
- Cho ½ lượng nước cốt dừa đã sánh trong nồi ra bát để làm phần bánh màu trắng.
- Xay lá dứa bằng máy xay sinh tố, rây để lấy phần nước cốt lá dứa. Cho nước lá dứa vào nồi, nấu cùng với phần nước cốt dừa còn lại, tiếp tục nấu đến khi hỗn hợp sánh lại. Sau đó, cho hỗn hợp ra bát, phần hỗn hợp này sẽ dùng để làm phần bánh màu xanh.
Bước 3: Trộn bột
Cho bột ra khay, sau đó cho từ từ nước cốt dừa vào khay, vừa cho vừa trộn đều tay sao cho bột thấm ướt đều nhưng vẫn còn ở dạng hạt. Bạn cần lưu ý lượng nước cho vào để khối bột không bị dính, dẻo.
Để kiểm tra độ thấm ướt của bột đã đạt chưa, bạn hãy cho một ít bột vào lòng bàn tay và nắm chặt lại. Mở tay ra, nếu bột kết thành một khối và khi bóp bột tan đều ra thì bột đã đạt.
Nếu bạn nhồi bột đạt chuẩn thì khi bánh được in ra khuôn sẽ chắc chắn và đẹp, khi bánh khô có thể bẻ thành nhiều miếng nhỏ, bánh dễ dàng tan ngay khi ăn.
Bước 4: Ép khuôn
- Phủ một lớp bột lên khuôn trước rồi đập nhẹ xuống mặt bàn cho bột rớt ra hết, sau đó cho phần bột đã trộn với nước cốt dừa vào khuôn.
- Dùng tay ấn chặt để bánh không bị vỡ khi mở khuôn, sau đó dùng dao gọt đi phần bánh thừa.
- Úp ngược khuôn, sau đó gõ nhẹ để bánh ra khỏi khuôn, tiếp tục làm cho hết phần bột còn lại.
Sau khi hoàn thành, bạn hãy để ráo bánh khoảng 2 – 3 tiếng và sau đó bạn có thể thưởng thức được ngay.
Bánh phục linh và bánh in có khác nhau không?
Bánh in và bánh phục linh là hai loại bánh hoàn toàn khác nhau. Tuy là cũng được làm từ bột nhưng bánh in thì lại có một mùi thơm khác, cứng hơn và bánh in thường được thêm nhân đậu xanh bên trong. Bánh phục linh thì khác, bánh đơn giản hơn, bánh thường mềm, có vị thơm béo của nước cốt dừa và không có nhân bên trong. Đây chính là điểm thu hút những đứa trẻ của bánh phục linh.
Bánh phục linh chứa bao nhiêu calo?
Dựa vào các nguyên liệu thành phần để tạo nên chiếc bánh, có thể ước lượng được lượng calo trong 6 chiếc bánh phục linh là khoảng 2855 calo, tương ứng với mỗi chiếc bánh (120 gram) thì sẽ chứa khoảng 476 calo.
Bánh phục linh để được bao lâu?
Sau khi làm bánh xong, bạn có thể để bánh vào hũ nhựa hay thủy tinh rồi đậy kín lại. Bạn cần lưu ý chọn hộp đựng phải khô ráo, nếu không bánh sẽ bị thấm nước và mềm. Bảo quản bánh phục linh trong ngăn mát tủ lạnh và có thể sử dụng trong khoảng 2 tuần.
Lời kết
Với cách làm đơn giản, nguyên liệu không quá cầu kỳ, bạn đã có thể làm được một mẻ bánh phục linh ngay tại nhà. Bạn có thể biến tấu sử dụng thêm nước cốt củ dền, cà rốt trong khâu trộn bột để có được những chiếc bánh với nhiều màu sắc hơn nhé.
Xem thêm:
- Chia sẻ cách nấu chè long nhãn hạt sen thơm ngon, bùi ngậy, tốt cho sức khỏe
- Bật mí cách làm xoài lắc muối ớt tại nhà giòn ngon, đậm đà ngấm vị, ăn vặt cực cuốn
Nếu bạn yêu thích làm các loại bánh, hãy ghé đến FPT Shop để tham khảo các thiết bị hỗ trợ chất lượng với giá cả phải chăng nhé, từ những chiếc máy xay, đến các loại lò nướng, nồi chiên không dầu… đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của bạn.