Contents
1. Món bánh khọt miền Tây là gì?
Cách đổ bánh khọt của người dân miền sông nước về cơ bản cũng tương tự cách làm bánh xèo miền Tây nhưng kích cỡ mini. Bánh khọt được trộn từ bột năng, bột lọc, thêm vị nước cốt dừa beo béo, kết hợp tinh bột nghệ để mang màu vàng ươm bắt mắt. Theo truyền thống, món bánh ngon này được ăn cùng nhân đậu xanh hấp, hoặc thịt bằm, tôm luộc, cùng ít tôm khô băm nhuyễn thơm ngon. Một số phiên bản còn sáng tạo với nhân cá hồi hấp, mực xào băm nhỏ,…rất lạ vị.
Bánh khọt có hình dạng, cách chế biến gần giống với bánh căn của các tỉnh miền Trung. Bánh khọt siêu giòn ở phần rìa, nhưng bên trong lại vô cùng mềm mịn. Chính điều này làm nên nét đặc sắc của món bánh dân dã của quê hương. Nhắc đến bánh khọt, không thể bỏ qua một thứ nước chấm đi kèm làm nên “linh hồn” của cả món ăn – đó là nước mắm chua ngọt. Tùy khẩu vị từng vùng mà sử dụng nguyên liệu, gia vị pha nước mắm khác nhau. Trong các công thức được hướng dẫn sau đây, trangnauan.com sẽ chia sẻ đến bạn nhiều cách đổ bánh khọt và pha nước mắm đa dạng để dễ dàng tìm được hương vị phù hợp với mình nhất nhé.
2. Cách làm bánh khọt miền Tây đổ nước cốt dừa ngon chuẩn vị
2.1. Cách đổ bánh khọt nhân tôm thịt nước cốt dừa miền Tây
2.1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 70 gram cơm nguội
- 100 ml nước ấm
- 250 gram bột gạo lọc
- 50 gram bột chiên giòn
- 200 ml nước cốt dừa
- 400 ml nước lọc
- 10 gram bột nghệ (Tham khảo cách làm bột nghệ tạo màu cho bánh vàng ngon)
- 1 quả trứng gà
- 30 gram hành lá
- 1 muỗng cà phê đường
- 1 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng cà phê bột ngọt
- 400 gram tôm đất
- 300 gram thịt bằm
- 30 gram hành tím
- 30 gram đầu hành
- 2 muỗng đường
- 1 muỗng hạt nêm
- 2 muỗng nước mắm
- 2 muỗng cà phê hạt tiêu
- 1 muỗng cà phê bột năng
- 250 gram đậu xanh
- Dụng cụ làm bánh: khuôn đổ bánh khọt, thân bạc hà, chén dầu ăn
2.1.2. Cách trộn bột làm bánh khọt miền Tây
- Xay nhuyễn 70 gram cơm nguội cùng 100 ml nước ấm.
- Trộn đều hỗn hợp 250 gram bột gạo lọc, 50 gram bột chiên giòn, nước cơm xay, 100 ml nước cốt dừa, 400 ml nước lọc và trộn đều. Sau đó, cho thêm 10 gram bột nghệ để có màu vàng tự nhiên. Lọc hỗn hợp bột lọc nghệ vàng qua rây đến khi ko còn bã, cặn.
- Cho 1 quả trứng gà, 30 gram hành lá đã thái nhỏ, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng cà phê bột ngọt vào hỗn hợp bột nghệ đã lọc và trộn đều.
- Trong một tô khác, khuấy đều hỗn hợp 100 ml nước cốt dừa cùng 1 muỗng cà phê bột năng. Đổ hỗn hợp bột năng nước cốt dừa vào nồi, bắc lên bếp lửa để nấu cho bột trở nên hơi đặc lại.
2.1.3. Cách làm nhân đậu xanh tôm thịt cho bánh khọt kiểu miền Tây
- Cho 400 gram tôm đất vào tô sạch. Thêm vào 15 gram hành tím đã băm nhuyễn, 15 gram đầu hành đã thái nhỏ, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng hạt nêm, 1 muỗng nước mắm và 1 muỗng cà phê hạt tiêu. Trộn đều và ướp trong 30 phút.
- Làm tương tự với 300 gram thịt bằm, cho vào 15 gram hành tím đã băm nhuyễn, 15 gram đầu hành thái nhỏ, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng hạt nêm, 1 muỗng nước mắm và 1 muỗng cà phê hạt tiêu. Trộn đều cho thịt thấm gia vị rồi ướp trong 30 phút.
- Chiên chín 400 gram tôm đất và 300 gram thịt bằm đã ướp, để qua một bên.
- Hấp chín 250 gram đậu xanh.
2.1.4. Cách đổ bánh khọt nhân đậu xanh tôm thịt nước cốt dừa miền Tây
- Dùng thân bạc hà quét đều dầu ăn lên chảo/ khuôn làm bánh khọt.
- Sau đó, cho hỗn hợp bột nghệ hành lá vào khuôn, cho thêm thịt bằm và tôm đất đã chiên chín lên trên lớp bột vàng.
- Kế đến, cho một ít đậu xanh lên.
- Rắc một ít hành lên cho thơm, cho thêm ít bột năng nước cốt dừa cho món bánh có vị béo béo.
- Đậy nắp khuôn lại, đợi đến khi bánh chín thì lấy ra dĩa.
- Trang trí dĩa bánh khọt theo sở thích, ăn kèm chén nước mắm chua ngọt cùng xà lách, các loại rau thơm là ngon phải biết!
2.2. Cách làm bánh khọt nhân tôm nước cốt soda dừa miền Tây
2.2.1. Nguyên liệu chuẩn bị
Bạn có thể biến tấu công thức làm bánh khọt truyền thống miền Tây với nhân tôm đơn giản, phần bột pha nước cốt soda dừa độc đáo như sau.
- 1 bịch bột làm bánh khọt Vĩnh Thuận
- 1 lon nước soda dừa Coco Rico
- 1 lon nước cốt dừa
- 2 thìa cà phê tinh bột nghệ nguyên chất
- 1 củ hành tím băm nhỏ
- Vài nhánh hành lá cắt nhỏ
- 450 gram tôm tươi đã làm sạch, bóc vỏ, để ráo
- 1 chén tôm khô
- Ít tiêu đen xay
- Nước mắm ngon
- Dầu ăn
- Nguyên liệu pha nước mắm chấm bánh khọt: 1 tép tỏi băm, 5 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê tương ớt, 1 chén nước ấm, 1/4 chén nước mắm, nước cốt 1/2 – 1 trái chanh tươi. Khuấy tất cả nguyên liệu này trong chén nhỏ cho ngấm hương vị, để qua một bên.
2.2.2. Cách trộn bột làm bánh khọt nước cốt soda dừa
- Cho bột bánh khọt, nước cốt dừa, bột nghệ, nước dừa soda Coco Rico vào tô sạch, dùng phới lồng đánh đều tay.
- Trộn bột đến khi các nguyên liệu hòa vào nhau sánh mịn là được.
- Bạn có thể lọc hỗn hợp bột lại qua rây để loại bỏ phần lợn cợn nhé.
2.2.3. Cách ướp tôm làm nhân bánh khọt miền Tây
Sơ chế tôm tươi:
- Cắt dọc thân tôm ra làm đôi, cho vào tô sạch.
- Thêm hành tím băm vào trộn với thịt tôm.
- Chế khoảng 1 muỗng canh nước mắm, ít tiêu đen xay vào tô tôm, xóc đều lên.
- Để tô tôm qua một bên, ướp khoảng 15 phút cho tôm ngấm vị.
Sơ chế tôm khô:
- Ngâm tôm khô trong chén nước ấm khoảng 10 phút. Sau đó, vớt tôm khô ra, để lên một tấm khăn giấy sạch để thấm hút ráo nước.
- Chuyển tôm khô vào máy xay gia vị và đánh nhuyễn, rồi đổ vào một chảo vừa.
- Bắc chảo tôm khô xay lên bếp, rắc thêm ít dầu ăn, rang đều trong 5 phút, để qua một bên.
2.2.4. Cách đổ bánh khọt nước cốt soda dừa kiểu miền Tây sáng tạo
- Tráng một lớp dầu ăn mỏng quanh đáy khuôn bánh.
- Đổ một lớp bột bánh mỏng vào đáy khuôn, rồi gắp tôm tươi đặt lên trên.
- Đậy nắp lại cho tôm chín.
- Rắc ít hành lá, tôm khô xay, cùng ít tiêu đen lên trên, đậy nắp lại lần nữa, rán đến khi bánh chín giòn lớp ngoài mà nhân chín đều thơm lừng thì gắp ra dĩa và thưởng thức được rồi.
2.3. Cách làm bánh khọt nhân đậu xanh chay miền Tây
2.3.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Để bổ sung thực đơn các món ăn chay cuối tuần, bạn có thể thay nhân tôm thịt cho bánh khọt với các nguyên liệu nhân sau:
- Nửa lít nước lọc
- Gia vị: 5 gram bột ngọt, 10 gram bột nêm
- 10 gram tinh bột nghệ
- Ít hành lá cắt nhỏ
- 100 gram nấm kim châm đã cắt chân, ngâm nước cho nở, rửa sạch, để ráo
- 200 gram bột gạo
- 200 gram bột chiên giòn
- 200 gram đậu xanh nguyên hạt
- Khuôn đổ bánh khọt, chén dầu thực vật
- Nguyên liệu pha nước mắm chay: 1 muỗng canh đường vàng, 1 muỗng canh nước mắm chay, 1 muỗng canh nước cốt chanh, 3 muỗng canh nước lọc (tỷ lệ 1:1:1:3), ít ớt tươi xắt nhỏ.
2.3.2. Cách trộn bột và nấu đậu xanh làm bánh khọt chay kiểu miền Tây
- Cho bột chiên giòn với bột gạo, bột nêm, bột nghệ, bột ngọt, hành lá cắt nhỏ vào tô sạch. Vừa chế nước lọc vào từ từ, vừa khuấy bột đều tay cho hòa tan. Nhớ khuấy liên tục để bột không bị vón cục nhé.
- Để bột nghỉ khoảng 15 phút cho nở ra.
- Ngâm đậu xanh trong thau nước sạch, để qua đêm cho mềm. Sau đó, đổ đậu xanh vào khuôn hấp chín trong 45 phút, để ra ngoài.
2.3.3. Cách đổ khuôn bánh khọt chay nhân nấm đậu xanh miền Tây
- Đổ dầu ăn vào khuôn làm nóng. Dầu nóng thì vớt bớt dầu ra ngoài.
- Múc bột vào khoảng 2/3 khuôn, rắc thêm ít đậu xanh, nấm kim châm lên trên, đậy nắp lại.
- Để lửa vừa chiên bánh, 30 giây sau, mở nắp ra. Đổ thêm ít dầu thực vật vào các chảo nhỏ để bánh không bị cháy khét.
- Bánh khọt được chiên chín vàng giòn bên dưới thì dùng đũa trở mặt bánh úp nghiêng xuống. Bước này giúp bánh ráo bớt dầu và làm chín bề mặt bánh đều hơn.
- Bánh chín đều thì gắp ra dĩa có lót giấy thấm dầu, hoặc khay có rãnh để dầu chảy ra ngoài.
2.3.4. Cách làm nước chấm bánh khọt chay chuẩn vị miền Tây
- Bạn đánh hòa tan đường, nước mắm chay, nước lọc và nước chanh trong chén nhỏ.
- Bắc hỗn hợp trên lên bếp, đun sôi rồi tắt bếp.
- Thêm lượng ớt xắt theo khẩu vị vào nước mắm, khuấy đều.
- Đợi nước mắm nguội, dọn lên ăn kèm bánh khọt chay.
Lưu ý: Nếu bạn muốn bảo quản nước mắm chay để được lâu, thì sau khi nấu, để nguội, đổ vào hũ kín, cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi nào ăn thì múc ra một ít, rồi mới thêm ớt xắt vào nhé.
Với cách làm bánh khọt miền Tây đổi với nước cốt dừa kiểu truyền thống và sáng tạo mà trangnauan.com vừa hướng dẫn trên đây, bạn lại có thêm gợi ý những món ăn vặt ngon ở Sài Gòn để thưởng thức dịp cuối tuần bên cạnh người thân, gia đình. Bánh khọt đổ đúng chuẩn là lớp bên ngoài mỏng giòn giòn, nhưng phần giữa lại mịn và mềm tan nơi đầu lưỡi. Vị bột bánh dai béo nhờ nước cốt dừa, kết hợp nhân tôm hoặc thịt bằm mằn mặn, chấm kèm chén nước mắm chua chua ngọt ngọt, khiến ai đã một lần thưởng thức là như “vương vấn một đời”.
Trúc Nguyễn tổng hợp