Bún giả cầy là món ăn rất thích hợp vào mùa đông. Sợi bún mềm chan với nước sốt giả cầy, ăn kèm với thịt chân giò ninh nhừ thơm mùi riềng mẻ rất ngon miệng. Bún giả cầy không chỉ phù hợp trong bữa cơm hàng ngày mà còn là món ăn tuyệt vời làm thực đơn trong các bữa nhậu. Mỗi vùng miền sẽ có cách nấu bún giả cầy khác nhau. Nội dung bài viết dưới đây, FPT Shop sẽ giới thiệu cho bạn công thức nấu bún giả cầy của người miền Bắc cho bạn tham khảo.
Contents
Chuẩn bị nguyên liệu
Để làm món bún giả cầy cho 4 người ăn, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau:
- 1 cái chân giò.
- 500g bún tươi.
- 1 củ riềng.
- 1 củ nghệ.
- 1 nhánh sả.
- Hành tím, tỏi.
- 50ml mẻ.
- 500ml nước vo gạo.
- 20ml mắm tôm.
- Gia vị đủ loại: Nước mắm, đường, muối,…
- Một số loại rau thơm: Tía tô, xà lách, bạc hà,…
Mách bạn kinh nghiệm khi mua chân giò heo là nên chọn mua chân giò trước vì thịt mỏng, nhiều gân và da, phù hợp để nấu món hầm hoặc giả cầy hơn. Tuy nhiên, nếu bạn thích ăn phần có nhiều thịt nạc và mỡ đan xen thì có thể chọn mua chân giò sau. Bạn nên mua những chiếc chân giò có màu đỏ hồng, rắn chắc, phần móng không bị bung ra. Những chiếc chân giò có da màu tím tái hoặc thâm đen, bị chảy nhớt hoặc có mùi không nên mua.
Muốn làm giả cầy ngon không thể thiếu các loại gia vị như: Riềng, mẻ, mắm tôm, nghệ,… Bạn hãy mua đầy đủ các nguyên liệu này để món ăn có màu sắc bắt mắt và chuẩn vị nhé.
Hướng dẫn cách nấu bún giả cầy
Bạn đã chuẩn bị chân giò và các loại gia vị, hãy tiến hành nấu theo các bước hướng dẫn sau:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Để loại bỏ mùi hôi của chân giò, bạn hãy đem chân giò ngâm với nước vo gạo trong khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch với nước. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể đem chân giò trụng qua nước sôi khoảng 5 phút rồi cạo sạch hết các mảng lông còn sót lại, nhất là ở phần móng.
Sau đó, bạn dùng rơm hoặc lá cây khô để thui chân giò. Bạn liên tục lật các mặt của chân giò cho đến khi thấy bên ngoài chuyển sang màu vàng nâu và có mùi thơm thì đem cọ, rửa với nước sạch cho hết các tro đen bên ngoài. Bạn chặt chân giò thành các khúc vừa ăn rồi để riêng ra bát.
Riềng bạn đem rửa sạch, thái lát mỏng rồi cho vào cối giã nhuyễn, để riêng. Hành tím bỏ vỏ, đập dập, tỏi cũng làm tương tự. Sả bạn đem lột hết phần bẹ già rồi rửa sạch, băm nhỏ. Riêng nghệ, bạn đem gọt vỏ bên ngoài, sau đó cắt lát rồi cho vào cối giã nhuyễn, rồi đổ thêm 150ml nước vào và lọc lấy nước cốt. Rau thơm bạn đem ngâm nước muối 10 phút rồi rửa sạch, vảy hết nước, để riêng ra đĩa.
Bước 2: Ướp chân giò
Bạn cho vào bát chân giò, hành tím, tỏi băm, sả vào trộn chung với mẻ, nước mắm, riềng giã nhỏ, mắm tôm, đường. Bạn trộn đều và để yên trong vòng 30 phút để chân giò thấm đều gia vị.
Bước 3: Nấu giả cầy
Bạn cho nồi lên bếp, đổ giả cầy đã trộn gia vị vào xào cho đến khi săn lại thì đổ nước cốt nghệ tươi vào. Bạn đun thêm khoảng 10 phút rồi cho 200ml nước sôi vào và ninh cho đến khi chân giò mềm, nhừ. Trước khi tắt bếp, bạn hãy nêm lại gia vị để món ăn hấp dẫn.
Thành phẩm món bún giả cầy
Món giả cầy sau khi đun xong sẽ có màu vàng tươi bắt mắt, thơm dậy mùi riềng sả. Cắn miếng chân giò thấy mềm, ngọt, thấm đều gia vị đậm đà, béo ngậy. Bạn hãy ăn chung giả cầy với bún và rau sống, đảm bảo ai cũng thích mê. Món giả cầy ăn với cơm nóng cũng rất ngon miệng, bạn hãy thử nhé.
Lưu ý khi làm món bún giả cầy
Khi làm món bún giả cầy, bạn hãy chú ý một số điều dưới đây:
- Khi mua chân giò, bạn hãy mua cả phần thịt và phần móng để món ăn ngon hơn.
- Mẻ là nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bún giả cầy. Trường hợp bạn không có mẻ thì nên thay thế bằng ly rượu gạo, nhưng món ăn sẽ không thể ngon và đậm vị như dùng mẻ. “Già riềng non mẻ” là bí quyết cổ xưa của các bà các mẹ nên bạn hãy lưu lại để chọn mua nguyên liệu nhé.
- Nếu bạn thui chân giò bằng rơm thì rất tốt, nhưng nếu không có rơm thì có thể dùng giấy đốt. Bạn cuộn chân giò vào giấy rồi châm lửa. Khi nướng chân giò bạn hãy đảm bảo an toàn để tránh cháy nổ nhé.
- Ướp chân giò với gia vị là bước không thể thiếu. Khi cho gia vị vào ướp bạn nên cho lượng vừa phải để tránh món ăn bị mặn.
- Khi ninh chân giò, bạn nên chú ý đổ lượng nước cho phù hợp và thường xuyên xem có cạn nước không. Vì giả cầy ăn chung với bún, nên bạn hãy chú ý điều chỉnh lượng nước tùy thuộc vào số lượng người ăn, không nên để cạn hết.
- Khi ninh chân giò, bạn chỉ nên ninh cho đến khi chân giò vừa chín mềm, không bị nhũn nát.
- Một số nơi còn thay thế nghệ bằng tiết lợn (nhưng cho vào khi sắp đun xong) làm món ăn có vị như rựa mận cũng rất ngon.
- Món giả cầy nên ăn nóng sẽ ngon hơn để nguội.
Tạm kết
Trong tiết trời se lạnh mà thưởng thức bát bún giả cầy thì ngon hết sẩy. Giả cầy ăn kèm với cơm nóng cũng là gợi ý tuyệt hảo. Bạn hãy lưu lại công thức trên để cả gia đình có cơ hội thưởng thức món ngon này nhé.
Nếu như bạn sử dụng nồi áp suất để ninh giả cầy thì chỉ cần cho lượng nước vừa phải vào ninh khoảng 15 phút là thịt chân giò sẽ mềm ngay, không phải mất nhiều thời gian nấu nướng. Bạn chưa có nồi áp suất và chưa biết lựa chọn thương hiệu nào chất lượng, bền lâu, giá cả phải chăng? Dưới đây là các mẫu nồi áp suất đang có sẵn tại FPT Shop, bạn hãy xem và liên hệ để được tư vấn cụ thể hơn:
Nồi áp suất
Xem thêm:
Bật mí 2 cách nấu bún hải sản tại nhà, hòa quyện tuyệt vời giữa cá biển, mực và tôm
Bật mí 2 cách làm bún riêu cua thanh đạm, chuẩn vị, thơm ngon và dễ làm tại nhà