Nhắc tới sữa chua thì chắc hẳn mọi người đã quá quen với các hương vị như sữa chua nha đam, sữa chua nếp cẩm, sữa chua phô mai… Thế nhưng bạn đã từng thử sữa chua cốm chưa? Với cách làm sữa chua cốm mà Dạy Pha Chế Á Âu sắp chia sẻ dưới đây, bạn sẽ được thưởng thức một món ăn vặt cực kỳ hấp dẫn và rất tốt cho sức khỏe.
Sữa chua cốm với hạt cốm dẻo ngọt, thơm nồng, quyện cùng sữa chua sánh mịn tạo nên hương vị hấp dẫn. Ảnh: Internet
Sữa chua là loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa nhờ chứa nhiều lợi khuẩn và các khoáng chất như kali, canxi, magiê, kẽm, selen, vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch. Trong khi đó, dinh dưỡng từ cốm xanh cũng không hề kém cạnh với tinh bột, protein, vitamin, canxi… giúp phòng ngừa cao huyết áp, trị tim mạch, làm đẹp da. Sữa chua cốm là một trong những biến tấu độc đáo từ cốm với vị thanh mát, béo ngậy của sữa chua và vị cốm dẻo ngọt.
Contents
Nguyên liệu làm sữa chua cốm
Phần sữa chua
Phần cốm non
Cách chọn mua cốm xanh ngon
– Chọn mua cốm non có màu xanh non được làm bằng hạt lúa nếp chắc, mỏng và dẻo, khi ăn cảm nhận được vị dai bùi, thơm mát. Không nên mua cốm nhuộm hóa chất có màu ngả vàng hoặc xanh mướt.
– Thời điểm thích hợp nhất để mua cốm là vào buổi sáng, lúc cốm còn tươi mới, có hương thơm tự nhiên, khi ăn không sợ cứng hay bị hỏng.
– Nếu mua cốm về mà chưa dùng ngay, bạn nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt để cốm giữ được hương vị nguyên bản.
– Cốm có nhiều loại khác nhau như: cốm tươi, cốm dẹp, cốm tròn… Để làm sữa chua cốm, bạn có thể sử dụng cốm tròn hay cốm dẹp đều được.
– Chỉ nên mua đủ lượng ăn trong ngày, để quá lâu có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cốm.
Cách chọn cốm ngon. Ảnh: Internet
Cách làm sữa chua cốm dẻo thơm ngon
Pha và ủ sữa chua
Cho 380g sữa đặc vào trong tô cùng với 200g đường cát và 200 – 300 bột kem béo. Sau đó, cho vào 1,5 lít nước sôi già, khuấy đều đến khi đường và bột sữa tan hết.
Tiếp đến, cho 1 lít sữa tươi vào và cũng khuấy đều để hỗn hợp hòa quyện. Lúc này hỗn hợp sữa còn nóng, bạn hãy khuấy tiếp khoảng 3 – 5 phút nữa để sữa nguội về khoảng 40 – 45 độ C, kiểm tra thấy sữa hơi âm ấm thì cho 2 hộp sữa chua cái vào, khuấy tan.
Công đoạn tiếp theo là ủ sữa chua, bạn đổ hỗn hợp sữa chua vào thùng giữ nhiệt (thùng đựng đá), dùng muỗng hớt sạch bọt để thành phẩm được mịn. Sau đó, đậy kín nắp và ủ sữa chua từ 10 – 15 tiếng là hoàn thành.
Các bước pha và ủ sữa chua. Ảnh: Internet
Nếu không có thùng giữ nhiệt, bạn có thể ủ bằng thùng xốp hoặc nồi cơm điện, nồi chiên không dầu.
– Ủ bằng thùng xốp: cho sữa chua vào nồi, đậy kín nắp. Đặt cả nồi sữa chua vào thùng xốp rồi rót nước sôi vào thùng, độ cao của nước khoảng 1/2 nồi. Ủ từ 6 – 8 tiếng hoặc qua đêm.
– Ủ bằng nồi chiên không dầu: chỉnh nhiệt độ 80 độ C trong 5 phút, cho sữa chua vào ủ 2 tiếng. Sau thời gian trên, tiếp tục chỉnh nhiệt độ 80 độ trong 2 phút và ủ tiếp trong 6 – 8 tiếng nữa.
Nấu chè cốm
Cho vào nồi 1,8 – 2 lít nước lọc, 400g đường cát, 2g muối, 2 – 3 lá dứa đã rửa sạch và buộc gọn. Bắc nồi lên bếp đun sôi.
Tiếp đến, cho 100 – 120g bột năng vào tô, thêm 150ml nước lọc vào khuấy tan.
Khi nồi nước đường sôi và đường đã tan hết thì cho từ từ bột năng vào nồi. Vừa rót bột vừa khuấy đều tay để bột không bị vón cục. Đun ở lửa nhỏ thêm 3 – 5 phút cho bột chín, hỗn hợp trong và sánh lại.
300g cốm khô rửa sạch rồi để ráo. Khi nồi bột năng đã chín trong thì tắt bếp, cho cốm vào nồi và khuấy đều. Khi chè nguội hẳn, cốm nở ra thì chè sẽ đặc hơn.
Cách nấu chè cốm rất đơn giản. Ảnh: Internet
Đổ vào hũ và làm lạnh
Cho chè cốm vào trong các hũ đựng đã chuẩn bị, lượng chè chiếm khoảng 1/3 hũ. Sữa chua sau khi ủ xong thì lấy ra, dùng vá khuấy đều, sau đó rót sữa chua vào trong các hũ đựng cốm. Cuối cùng, đậy nắp hũ lại, đặt hũ sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh ít nhất 1 ngày để sữa chua được lạnh sâu, ăn sẽ ngon hơn.
Sữa chua cốm sau khi làm xong nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Ảnh: Internet
Thành phẩm
Trong lớp sữa chua sánh mịn có vị chua thanh, dịu nhẹ là những hạt cốm thơm mềm, dẻo ngọt, khi thưởng thức còn cảm nhận được hương lá dứa thoang thoảng đậm chất “hương đồng gió nội”. Bạn có thể áp dụng cách làm sữa chua cốm này để làm ăn tại nhà hoặc kinh doanh đều được. Với công thức này, bạn sẽ làm được 50 hũ sữa chua thành phẩm với định lượng 120ml/hũ.
Cách bảo quản sữa chua cốm
– Nhiệt độ thích hợp để bảo quản sữa chua cốm là từ 3 – 6 độ C ở ngăn mát tủ lạnh.
– Sữa chua cốm ăn ngon nhất là từ 3 – 5 ngày sau khi làm. Để quá 1 tuần có thể ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng sữa chua.
– Không nên để sữa chua cốm ở ngăn đông vì sẽ làm mất đi độ dẻo thơm của cốm, đồng thời những vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt.
Một số lưu ý khi làm sữa chua cốm
– Sữa chua cái nên để ở nhiệt độ phòng khoảng 2 tiếng cho tan hoàn toàn, men sẽ hoạt động tốt hơn.
– Sữa đặc sẽ quyết định đến độ ngon, béo ngậy của sữa chua, do đó, nếu bạn chọn sữa đặc có độ đậm đặc càng cao thì sữa chua sẽ càng chất lượng, béo và ngon.
– Tùy vào thời tiết nóng hay lạnh và độ chua mong muốn mà bạn tăng hay giảm thời gian ủ, ủ càng lâu thì sữa càng chua. Nhưng không ủ nhiệt quá nóng sẽ làm chết men sữa chua.
– Trong quá trình ủ sữa chua tuyệt đối không được xê dịch thùng ủ để tránh làm sữa chua bị tách nước hay nổi váng.
– Trước khi cho cốm vào nồi nấu thì mới đem đi rửa, tuyệt đối không ngâm hay rửa trước để tránh cốm bị nở, không ngon.
– Bạn có thể cho vào vài giọt hương lá dứa để chè cốm có màu xanh đẹp mắt hơn.
– Các dụng cụ như: nồi, muỗng, hũ đựng… cần được rửa sạch, lau khô hoặc tiệt trùng để sữa chua không bị hư hoặc nhớt.
Sử dụng loại hũ đựng chất lượng tốt để an toàn cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Cách làm sữa chua cốm thành công là thành phẩm phải kết hợp hài hòa được vị chua thanh của sữa chua và vị dẻo thơm của cốm để tạo nên một món ăn vặt hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ. Hy vọng qua bài viết trên đây bạn đã nắm được những bí quyết làm sữa chua ngon để ăn và kinh doanh. Nếu thực hiện thành công, đừng quên chia sẻ thông tin hữu ích này đến mọi người bạn nhé!
Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết cách làm yaourt dâu tây tại website của chúng tôi ngay nhé.