Khi mùa cảm lạnh và cúm đến, một trong những phương pháp điều trị tại nhà đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là trà nóng. Bên cạnh việc giúp trị ho và đau họng, một số loại trà có thể giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm thông thường khác, chẳng hạn như đau nhức, sốt cao và viêm nhiễm.
Dưới đây là 10 loại trà giúp bạn chữa cảm.
Trà hoa cúc
Không chỉ giúp dễ ngủ, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dược học Châu Âu năm 1990, cho thấy hít hoa cúc có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Theo một bài báo trên Báo cáo Y học Phân tử, hoa cúc cũng có đặc tính chống viêm, có thể giúp hạ sốt.
Nước để pha trà hoa cúc không được quá nóng, nếu không sẽ làm tác dụng và mất đi một số tinh chất quý trong hoa cúc. Nhiệt độ lý tưởng của nước pha trà là từ 80-85 độ C. Hãm trà trong thời gian 3-5 phút.
Trà hoa cúc tím
Loại thảo mộc này là một trong những loại phổ biến hơn được sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh và cúm. Hoa cúc tím có thể tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch và được khuyên dùng trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh thông thường và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Tương tự như trà hoa cúc thông thường, nên dùng nước pha trà hoa cúc tím ở nhiệt độ từ 80-85 độ C.
Trà quả cơm cháy
Loại cây có hoa này tạo ra một loại trà ngon có thể giúp giảm thời gian của các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Một nghiên cứu cho thấy nước ép quả cơm cháy cô đặc có hiệu quả chống lại virus cúm ở người. Trong y học dân gian, quả khô hoặc nước ép được sử dụng để điều trị cúm, nhiễm trùng, đau thần kinh tọa, nhức đầu, đau răng, đau tim và đau dây thần kinh, cũng như thuốc nhuận tràng và lợi tiểu.
Uống trà quả cơm cháy pha từ quả khô hàng ngày để giảm bớt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh.
Trà gừng
Chanh và mật ong có thể kết hợp với gừng để làm dịu các triệu chứng cảm lạnh, cúm. Sử dụng gừng tươi nghiền khi pha trà này. Ngoài ra, gừng là một loại gia vị ấm và được biết là giúp tiêu hóa.
Trà xanh
Trà xanh có chứa catechin và theanine giúp ngăn ngừa bệnh cúm. Ngoài ra, trà xanh có chứa một lượng vitamin C tốt cho sức đề kháng của cơ thể.
Uống trà xanh vào buổi sáng sẽ giúp bạn tỉnh táo, làm việc hiệu quả, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Mỗi người bình thường hàng ngày chỉ nên uống 2-3 tách trà. Nếu ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, uống trà xanh giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn.
Trà ổi
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trà ổi có thể ức chế sự lây lan nhanh chóng của bệnh cúm, cũng như giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh cúm A. Có thể dùng trà ổi bằng cách pha với lá ổi. Rửa sạch một nắm lá hoặc búp ổi non cho sạch bụi bẩn, sau đó cho vào nồi đun sôi chừng 15 phút. Chắt lấy phần nước uống hàng ngày.
Trà ổi hồng pha từ mứt quả ổi hồng cũng đang là thức uống ưa thích của nhiều người.
Trà hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt tạo ra một loại trà màu đỏ có hương vị, là nguồn cung cấp vitamin C và sắt, có thể giúp hệ thống miễn dịch chống lại mầm bệnh. Trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng chiết xuất trà dâm bụt cho thấy khả năng chống nhiễm virus cúm A.
Trà cam thảo
Nghiên cứu cho thấy rằng rễ cam thảo có thể là một thách thức đáng gờm đối với virus cúm loại A. Vì vậy, uống trà cam thảo có tác dụng đáng kể khi mắc bệnh cúm. Tuy nhiên, cam thảo lại không có tác dụng với các loại cảm cúm thông thường.
Khi pha, cho vài lát cam thảo sau đó đổ nước đun sôi vào. Loại trà này có vị ngọt nhẹ, đọng trên lưỡi sau khi uống, rất thích hợp cho những ngày lạnh và có thể uống hàng ngày.
Trà bạc hà
Tinh dầu bạc hà trong trà bạc hà là thành phần “thần kỳ” có tác dụng thông mũi. Trà bạc hà cũng có thể giúp giảm ho và giảm nghẹt mũi.
Trà bạc hà có thể pha từ túi lọc sẵn. Bạn pha một gói trà túi lọc với nước nóng rồi ủ trong 10 phút, sau đó lấy túi lọc ra. Thông thường, nhiều người cho thêm chanh tươi hoặc mật ong để dễ thưởng thức hơn.
Trà cây bụi đỏ
Mặc dù không quá phổ biến nhưng trà cây bụi đỏ có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và kháng virus, mang lại tác dụng điều trị bệnh cảm. Loại trà thảo dược này có vị ngọt nhẹ, không chứa caffein.
Doãn Hùng (Theo Epoch)