Món trứng kho độn thật nhiều nước của má đã nuôi chúng tôi khôn lớn (Ảnh minh họa)
Má tôi ở An Giang, 3 đời làm nông. Xưa, gia đình khó khăn, chỉ có 3 công ruộng mà phải lo cho đàn con 7 đứa, nên ba má tôi luôn phải thắt lưng buộc bụng.
Trước bữa ăn là ba tôi đi chài cá, xúc tép, còn má ra bờ đê hái mớ rau rệu, rau trai nấu canh. Có ngày ba đem về cả thau cá, cũng có ngày chỉ là 1-2 cái trứng vịt ba lượm được ở sông (vịt đẻ rớt). 1-2 cái trứng là quá ít so với 7 cái tàu há mồm, nên má không bao giờ làm món ốp la, trứng chiên, luộc, mà chế biến thành món trứng kho với… nước. Chúng gọi là món kho vì nó khá mặn (có mặn mới đủ để đưa cơm cho cả nhà).
Má đập 2 trứng vào tô, nêm nếm gia vị và pha vào đó 1 chén nước. Có hôm má cho vài muỗng tóp mỡ vào và lúc nào má cũng ngắt mấy nhánh hành lá trồng cặp mương nước trộn thêm. Khi đó, đến công đoạn của mấy chị em tôi. Đứa nào cũng giành đánh trứng, dù mỏi tay cũng cố khuấy thật lâu để trứng dậy lên, vì má nói “làm vậy trứng sẽ nhiều và thơm ngon hơn”.
Khi tô trứng lõng bõng nước sánh lại với màu vàng nhạt, má tôi đặt chiếc chảo lên bếp rơm đang cháy phừng phừng. Lúc chảo khô, má đổ tô trứng vịt vào. Má dùng đũa khuấy tròn đều theo chiều kim đồng hồ. Chỉ vài phút, nồi nước đã đặc lại, đọng thành lớp trứng dày, rất mềm và mịn. Mùi thơm của trứng quyện với mùi của phần trứng dưới đáy chảo vừa khét nhẹ tạo nên mùi thơm và cả vị rất đặc biệt, không thể lẫn lộn với bất kỳ món ăn nào trên đời. Chị em tôi hít lấy hít để và mắt dán chặt vào chảo trứng béo ngậy, thơm lừng.
Chị Hai ra hiệu lệnh “bới cơm” là cả đám đứa cầm tô, đứa cầm dĩa, đứa cầm thau… đi bới cơm. Sau đó, chị em tôi xếp hàng để được má múc trứng kho cho vào phần ăn của từng đứa. Vài phút sau, chảo trứng hết vèo. Tôi cứ lấy muỗng nạo hết phần khét còn dính trong chảo. Chúng tôi rưới lên cơm lớp nước tương và mỗi đứa kéo ra 1 góc ngồi ăn ngon lành. Tôi luôn xí gốc trâm bầu chìa ra sông, ngồi vắt vẻo trên đó ăn vừa hóng mát. Anh Tư trèo tuốt lên cháng ba cây ô môi, và cũng để trốn thằng Út theo xin trứng.
Chị Hai, chị Ba thì ngồi nghiêm chỉnh ở chiếc bàn tre và luôn trong tâm thế “nhường cơm xẻ trứng” cho bầy em tham ăn. Món cơm với trứng kho nước của má nhanh chóng được 7 anh chị em tôi ăn hết veo. Và món trứng kho thần thánh này đã đi theo chị em tôi suốt tuổi thơ và cả khi trưởng thành.
Không chỉ thế hệ tôi, mà các con và các cháu của tôi cũng được má nấu cho món ngon này. Thật lạ, 2 bé nhà tôi rất kén ăn, phải nhiều lần đi khám dinh dưỡng. Thế nhưng, khi về quê được ngoại nấu cho món trứng kho nước, con tôi và các cháu lại ăn cơm rất ngon – y như anh chị em tôi ngày xưa.
Các con tôi vừa ăn, vừa đưa ngón cái làm dấu “like” và khen: “Món trứng của ngoại mềm quá, ngon quá”. Trong một lần làm tập làm văn viết thư gửi người thân năm lớp Bốn, bé đã chọn viết cho bà ngoại. Trong đó, ngoài việc kể về ngoại đã hát ru con ngủ, con còn nhắc kỷ niệm được ngoại nấu cho nhiều món ngon, trong đó bé thích nhất món trứng kho.
Cậu cháu lớn – là kỹ sư (con anh Bảy) mỗi khi ăn món trứng kho của bà nội nửa đùa, nửa thật: “Không thể hiểu nổi, tại sao trứng kho với nước mà ngon thần sầu vậy? Con làm nhiều lần rồi mà không được như bà nội. Bà nội khai thiệt đi, bà nội có lén cho bùa gì không?”.
Mà thật, khi về thành phố, nhiều lần tôi và 2 con làm món trứng kho vì thèm, nhưng vẫn “không giống bà ngoại nấu”. Mỗi khi ai hỏi bí quyết, má tôi thản nhiên “thì đập trứng, cho nước, nêm nếm thôi”. Vậy mà 7 anh chị em tôi và các cháu bao năm qua vẫn làm món trứng kho không ra vị ngon đặc biệt của má.
Mới đây, tôi đưa các con về quê. Má lại làm món ăn truyền thống cho 2 con. Nhìn mẹ già 88 tuổi, lưng đã còng, tai đã lãng, say sưa, chăm chú khi nấu ăn cho con cháu, tôi biết bí quyết tạo ra món trứng kho ngon tuyệt và nhiều món ngon khác là má đã nêm gia vị yêu thương. Và anh chị em tôi là những đứa con may mắn, khi hơn nửa thế kỷ vẫn luôn được “siêu đầu bếp má” nấu cho nhiều món ngon.
Thùy Dương