Đã qua rồi cái thời ramen chỉ có ở nhà hàng Nhật Bản. Với một chút sáng tạo và các nguyên liệu dễ kiếm, bạn có thể chế biến món mì ramen hấp dẫn và ngon miệng ngay trong căn bếp tiện nghi của mình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá một số công thức nấu mì ramen nhanh chóng và dễ dàng tại nhà để thỏa mãn cơn thèm của bạn và gây ấn tượng với gia đình nhé!
Shoyu Ramen
Hương vị đậm đà trong món ramen với nước dùng từ nước tương đơn giản này khiến bạn không thể ngừng húp xì xụp. Shoyu ramen với nước súp cơ bản được hầm từ gà và rau củ mang lại nước dùng trong sẽ phù hợp với những ai thích vị thanh đạm, ít dầu mỡ.
Nguyên liệu
(Đơn vị cup = 240ml)
- 2 gói mì ramen tươi
Nước dùng
- 1 muỗng dầu mè
- 1 củ tỏi băm
- 1 nhánh gừng (băm nhỏ)
- ¼ cup nước tương
- 1 muỗng canh rượu nấu ăn
- 1 cup dashi
- 2.5 muỗng canh mirin
- 1 cup nước ramen (nước nấu mì ramen)
Topping
- 2 quả trứng ngâm tương (cắt đôi)
- Măng ngâm (menma)
- Rong biển khô (nori)
- Hành lá
- Bột tiêu
Các bước thực hiện
Bước 1: Nấu nước dùng shoyu
– Bắt nồi đun ở lửa vừa, cho dầu mè xào với tỏi băm và gừng băm. Xào khoảng 2 phút đến khi có mùi thơm.
– Thêm các nguyên liệu còn lại của nước dùng gồm nước tương, rượu nấu ăn, dashi, mirin. Đun đến khi sôi thì hạ nhiệt, đậy nắp và đun nhỏ lửa trong 15 phút rồi tắt bếp, để qua một bên.
Bước 2: Luộc mì ramen
– Đun nồi nước để luộc mì ramen. Khi nước sôi, cho ramen vào và nấu theo hướng dẫn trên bao bì. Tùy thuộc vào loại bạn nấu là mì khô hay mì tươi, đối với mì ramen tươi thì không nên nấu quá 2-3 phút.
– Vớt mì ramen ra để ráo. Phần nươc luộc mì thì bạn lấy 1 cup nước ramen (~240ml) cho vào nước súp shoyu đã nấu và khuấy đều.
Bước 3: Hoàn thành món mì shoyu ramen
– Cho mì vào 2 tô sau đó thêm nước dùng shoyu, thêm các loại topping như trứng ngâm tương, măng ngâm, rong biển nori và hành lá. Rắc thêm ít bột tiêu và thưởng thức!
Miso Kim Chi Ramen
Món mì ramen miso kimchi hòa quyện nhiều hương vị gồm vị đậm đà thơm mùi đậu nành lên men của miso và một ít vị chua cay từ kimchi. Món ramen có topping là giá đỗ và bắp ngọt, thêm hương thơm từ dầu hành tỏi phi. Món mì Nhật Bản theo phong cách Hàn Quốc độc đáo này vừa đơn giản mà ngon miệng giúp bạn có thể thưởng thức ramen chất lượng nhà hàng ngay tại nhà.
Nguyên liệu
- 3 muỗng canh dầu ăn
- 1 củ tỏi băm
- 2 cây hành lá (xắt nhỏ)
- 4 cup nước dùng rau củ hoặc nước dùng gà
- 2-2.5 muỗng canh miso trắng hoặc awase miso
- 1 muỗng canh dầu hào
- 2 muỗng nhỏ bột ớt
- 100g kimchi, cắt nhỏ
- 2 gói mì ramen tươi hoặc khô
- Giá đỗ
- ½ cup hạt bắp luộc (bắp đóng lon)
Các bước thực hiện
Bước 1: Làm dầu hành tỏi
– Cho dầu ăn, tỏi và hành lá vào nồi xào ở lửa nhỏ. Đảo liên tục cho đến khi hành lá chuyển sang màu vàng sau đó tắt bếp. Đổ phần dầu ăn vào một cái bát riêng. Để sang một bên.
Bước 2: Nấu nước dùng mì ramen
– Bắt nồi đun ở lửa vừa, cho nước dùng, tương miso, dầu hào, ớt bột, kimchi vào nấu đến khi sôi. Khi sôi thì giảm lửa nhỏ, đậy nắp và nấu trong khoảng 10 phút.
Bước 3: Luộc mì ramen
– Bắt một nồi nước khác và đun sôi để luộc mì, cho mì ramen vào luộc theo như hướng dẫn trên bao bì. Luộc từ 1-3 phút nếu bạn mua mì ramen tươi. Sau đó vớt mì ra, để ráo.
Bước 4: Trang trí mì miso kimchi ramen
– Cho mì ramen vào hai tô, rưới nước dùng miso kimchi lên. Thêm topping giá đỗ và bắp rồi rưới một ít dầu hành tỏi rồi thưởng thức ngay!
Mì ramen lạnh
Món ramen mùa hè của Nhật Bản được làm với ramen ướp lạnh với các nguyên liệu khác như cà chua, dưa leo, trứng chiên thái sợi, thịt heo charsiu, tôm, măng ngâm (menma), hành lá và gừng hồng (beni shoga). Món ramen lạnh được ăn với loại sốt kiểu chua ngọt, một chút vị béo, và một ít mù tạt nóng của Nhật Bản (mù tạt karashi). Tổng thể, đây là phiên bản mì ramen dễ ăn và đầy hương vị, kích thích vị giác rất đáng để thử đấy.
Nguyên liệu
Sốt mì lạnh
- 3 muỗng giấm gạo
- 1 muỗng đường
- 3 muỗng nước tương
- 1 muỗng nước
- 1 muỗng dầu mè
- 350g mì ramen tươi (hoặc 170g ramen khô)
Topping
- 2 quả trứng gà (chiên, cắt sợi)
- ¼ quả dưa leo thái sợi
- 4 con tôm luộc, cắt đôi theo chiều dọc (hoặc thanh cua)
- 2 cây hành lá, xắt nhỏ
- 6 quả cà chua bi, cắt đôi
- Mù tạt nóng Nhật Bản (mù tạt karashi)
Các bước thực hiện
Bước 1: Làm sốt mì lạnh
– Trộn đều tất cả các gia vị làm sốt mì lạnh cho tan. Để qua một bên.
Bước 2: Làm topping trứng sợi
– Đun nóng dầu ăn với chảo để chiên trứng. Đánh đều trứng sau đó đổ vào chiên, dàn mỏng trứng và chiên đến khi chín thì gấp hai bên tại tạo thành hình chữ nhật. Tắt lửa, cho trứng ra thớt rồi cắt trứng thành sợi mỏng.
Bước 3: Luộc mì ramen
– Đun nước sôi để luộc mì ramen. Luộc mì theo như hướng dẫn trên bao bì. Đối với ramen tươi, nên luộc trong khoảng 2-3 phút. Vớt mì ra rửa qua với nước lạnh. Để ráo mì sau đó cho vào dĩa lớn.
Bước 4: Trang trí và thưởng thức ramen
– Trang trí các loại topping lên trên mì theo từng loại cho đẹp mắt.
– Cuối cùng rưới sốt mì lạnh lên trên và thưởng thức cùng với mù tạt nóng. Bạn cũng có thể trộn mù tạt chung với sốt mì lạnh ngay trước khi ăn mì, rắc thêm ít hạt mè rang để món ăn hấp dẫn hơn nhé.
Miso Tsukemen Vị Cay
Khác với mì nước hay mì trộn, tsukemen là mì nhúng Nhật Bản với cách ăn độc đáo là nhúng mì vào bát nước dùng đậm đặc nóng hổi rồi nhanh chóng húp xì xụp.
Vì mì tsukemen được phục vụ với mì (thường là udon hoặc soba) và bát nước dùng riêng nên nước dùng thường có vị mặn và đậm đà hơn, cuối bữa ăn, người ta thường cho thêm nước nóng vào bát nước dùng cho loãng bớt và húp như một món súp/canh.
Nguyên liệu
- 170g mì ramen (hoặc udon, somen)
Nước dùng
- 1/2 muỗng canh dầu ăn
- 1 củ tỏi băm
- 1 củ hành tím băm
- 1 nhánh gừng băm
- 2 muỗng canh tương miso
- 1 muỗng canh nước tương
- 1.5 cup nước (~360ml)
- 1 muỗng nhỏ đường
- 1 muỗng nhỏ bột canh gà hoặc rau củ
- 1 muỗng canh mè rang
- 1/2 muỗng nhỏ dầu ớt
- 1 muỗng nhỏ dầu mè
Topping
- 2 cây hành lá xắt nhỏ
- 2 muỗng canh cá ngừ bào (katsuobushi) hoặc trứng luộc, thanh cua, chả cá xoắn tùy thích
- Bột tiêu
Các bước thực hiện
Bước 1: Nấu nước dùng ramen
– Đun chảo với một ít dầu ăn, cho hành tím, gừng và tỏi vào xào cho đến khi có mùi thơm.
– Cho thêm miso và nước tương xào chung.
– Thêm nước, nêm đường và bột nêm gà đun đến khi sôi.
– Giảm lửa và mở nắp nồi, đun thêm 15 phút.
– Tắt bếp rồi cho dầu ớt, dầu mè và mè rang vào nồi.
Bước 2: Luộc mì ramen
– Luộc mì ramen theo như hướng dẫn trên bao bì. Sau đó vớt mì ra để ráo rồi chia vào hai tô.
Bước 3: Trang trí và thưởng thức mì
– Cho nước dùng vào tô riêng, thêm hành lá, mè rang và cá ngừ bào rồi thưởng thức!
Một trong những điều tuyệt vời nhất khi nấu ramen tại nhà là bạn có thể thoải mái điều chỉnh hương vị nước dùng, thêm thắt các loại topping có sẵn trong tủ lạnh. Mỗi biển thể sẽ mang lại trải nghiệm ramen với hương vị độc đáo của riêng bạn.
Các công thức ramen nhanh chóng và dễ làm tại nhà mà Tèobokki đã gợi ý trong bài viết mang đến một bữa ăn đầy dinh dưỡng, đa dạng hương vị từ cay đến không cay phù hợp cho tất cả các thành viên trong gia đình!