Văn hoá ẩm thực truyền thống Hàn Quốc luôn mang lại những điều thú vị và bất ngờ cho những ai đang tìm hiểu về văn hoá Hàn Quốc. Và bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết được món bánh gạo Hàn Quốc mà chúng ta thường thấy với màu đỏ rực và mùi vị cay nồng ấy thực chất chỉ là một trong vô số rất nhiều các loại bánh gạo khác. Bài viết này sẽ mang tới cho bạn một thế giới đầy màu sắc của bánh gạo Hàn Quốc.
>>Xem thêm: 29 món ăn ngon nhất ở Hàn
Contents
Bánh gạo Hàn Quốc và ý nghĩa trong các dịp lễ tết
Những món ăn ngày Tết Hàn Quốc đều mang trong đó những ý nghĩa riêng mà con người muốn gửi gắm tới tổ tiên hoặc là lời chúc cho nhau. Và trong rất nhiều dịp lễ tết hay những buổi lễ kỷ niệm, cúng bái đều không thể thiếu được món bánh tteok Hàn Quốc. Hãy cùng xem món ăn ngày Tết Hàn Quốc cực kì quan trọng này có những ý nghĩa gì trong từng dịp lễ tết khác nhau nhé.
1. Chuseok
Chuseok (추석) là dịp lễ Trung thu của Hàn Quốc, được xem là ngày lễ lớn nhất và quan trọng nhất trong cộng đồng người Hàn. Khi nhắc đến lễ Chuseok thì không thể thiếu được món bánh gạo Hàn Quốc đặc trưng nhất đó chính là Songpyeon (송편).
Songpyeon thuộc loại bánh gạo hấp, cách làm là nhào bột gạo tẻ trong nước nóng, sau đó thêm nhân bánh vào chính giữa. Bột gạo tẻ được làm từ hạt gạo đầu mùa, cũng chính là những hạt gạo ngon nhất mà người dân vừa gặt hái được sau vụ mùa đầu tiên. Được đem đi làm thành món bánh thơm ngon này với mục đích dâng lên cho tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt, gặt hái được nhiều lương thực.
Bánh gạo Hàn Quốc Songpyeon
Tương truyền rằng người con gái nếu làm ra những chiếc bánh Songpyeon đẹp sẽ lấy được một tấm chồng tốt còn người phụ nữ mang thai có thể hạ sinh một cô con gái xinh đẹp. Bên cạnh đó Songpyeon còn được dùng làm phương pháp tiên đoán đứa trẻ chào đời sẽ là trai hay gái bằng cách đặt một nhành lá thông vào bên trong bánh, khi ăn cắn một đầu, nếu xuất hiện phần viền thì là con gái, xuất hiện phần nhọn thì là con trai.
2. Tết Nguyên Đán
Vào dịp Tết Nguyên Đán hay trong tiếng Hàn gọi là Seollal (설날), người dân Hàn Quốc sẽ nấu một món có tên là Tteokguk (떡국) là món canh tteok Hàn Quốc với bánh gạo thanh dài Garaetteok được cắt lát mỏng hình tròn. Theo quan niệm của người Hàn khi ăn món Tteokguk vào ngày đầu năm mới nghĩa là người đó sẽ “ăn” thêm một tuổi mới. Ngoài ra Garaetteok với hình dáng dài là lời cầu mong một cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài, và được cắt thành những hình tròn như đồng tiền xu là lời cầu mong sung túc, giàu có.
Bánh gạo Hàn Quốc Tteokguk
3. Lễ thôi nôi
Tiệc thôi nôi của người Hàn được gọi là Doljanchi (돌잔치), là dịp để ăn mừng sinh nhật lần đầu tiên của em bé. Trong bàn tiệc thôi nôi thì không thể thiếu được một số những món bánh gạo mang theo trong đó là những ý nghĩa riêng. Người Hàn quan niệm rằng đặt bánh gạo thôi nôi trên bàn tiệc thôi nôi là để cầu mong cho một sự trường thọ và giàu có cho đứa bé.
Những món bánh tteok Hàn Quốc thường được dùng trong lễ Doljanchi gồm có: – Baekseolgi (백설기): Với màu trắng tinh khiết, Baekseolgi đại diện cho sự toàn vẹn và trường tồn của đứa bé. Đây là món bánh phổ biến nhất trong các bữa tiệc thôi nôi và đôi khi được ăn như một loại bánh gạo thông thường.
Bánh gạo Hàn Quốc Baekseolgi
– Susupadtteok (수수팥떡): Món bánh gạo với lớp bột đậu đỏ phủ bên ngoài mang theo ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và những điều không may mắn. Món bánh gạo đậu đỏ này được bày trong sinh nhật của đứa bé cho tới năm nó 10 tuổi, vừa để xua đuổi xui xẻo vừa để tích đức.
Bánh gạo Hàn Quốc Susupadtteok
– Mujigaetteok (무지개떡): Bánh gạo cầu vồng là nghĩa của cái tên Mujigaetteok, nó mang theo lời chúc sẽ đạt được những giấc mơ đẹp như màu sắc cầu vồng.
Bánh gạo Hàn Quốc Mujigaetteok
– Songpyeon (송편): Songpyeon còn xuất hiện trên bàn tiệc thôi nôi với hai loại là Songpyeon rỗng tượng trưng cho một người có tâm hồn rộng mở và Songpyeon đặc ruột tượng trưng cho người có trái tim đầy tình thương.
Bánh gạo Hàn Quốc Songpyeon
– Injeolmi (인절미): Injeolmi với kết cấu dai đặc biệt tượng trưng cho con người kiên trì và đáng tin cậy, ngoài ra nó còn là lời cầu chúc sống thật lâu, thật thọ.
Bánh gạo Hàn Quốc Injeolmi
Bánh gạo Hàn Quốc còn xuất hiện rất nhiều trong các ngày lễ lạt khác của người Hàn. Hay trong những bữa ăn thường ngày của họ, bánh gạo cũng là một phần không thể thiếu được. Điển hình là món bánh gạo xào cay Tteokbokki mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong những bộ phim hoặc tài liệu giới thiệu về văn hoá, ẩm thực truyền thống Hàn Quốc. Trong văn hoá đời sống thường ngày, bánh tteok Hàn Quốc còn là món ăn mà người dân mang tặng cho hàng xóm khi họ vừa chuyển nhà tới một nơi ở mới như là một món quà chào hỏi giữa người mới và người dân đã sống ở đó từ trước.
Nền ẩm thực truyền thống Hàn Quốc đã xây dựng được bản sắc riêng của mình một phần là nhờ vào bộ sưu tập những chiếc bánh làm từ nguyên liệu gạo và ngũ cốc là những nguyên liệu quý báu nhất của dân tộc Hàn nói riêng và con người châu Á nói chung. Bánh gạo nằm trong danh sách những món ăn ngày Tết Hàn Quốc trong suốt một năm, đủ để thấy được tầm quan trọng của nó trong nền ẩm thực truyền thống Hàn Quốc.
Cách làm bánh gạo – bánh tteok Hàn Quốc
Các loại bánh gạo Hàn Quốc được người dân làm ra đa dạng hình thù, màu sắc, mùi vị. Chúng được phân ra theo cách chế biến, mùa trong năm hoặc theo từng vùng miền.
Có 4 cách làm bánh tteok Hàn Quốc, dựa vào đó có 4 loại bánh gạo được đặt tên theo cách mà chúng được làm ra. – Bánh gạo hấp: Loại bánh gạo hấp điển hình nhất là Sirutteok (시루떡). Cách làm là người làm sẽ đem ngâm nước gạo nếp hoặc gạo tẻ, sau đó đem xay thành bột. Đặt bột vào một cái nồi đất (được gọi là Siru) và hấp chín nó bằng hơi nước bốc lên. Ngoài ra bánh gạo hấp còn được chia thành 2 loại khác là Seolgitteok (설기떡) và Kyeotteok (켜떡).
– Bánh gạo giã: Bánh gạo giã được làm từ hạt ngũ cốc đã tách vỏ làm thành bột rồi đem hấp trong Siru. Bột đã hấp lúc còn hơi nóng sẽ đem đi giã cối cho đến khi có độ dẻo dính, sau đó được phủ thêm lớp bột tẩm làm dậy thêm mùi vị hoặc được nhấn khuôn tạo hình trên mặt. Tiêu biểu cho loại bánh gạo làm từ gạo tẻ là Raetteok (래떡) và Jeolpyeonryu (절편류), tiêu biểu cho bánh gạo làm từ gạo nếp là Injeolmiryu (인절미류).
Bánh gạo Hàn Quốc Injeolmiryu
– Bánh gạo rán, chiên: Bột gạo sau khi đã được chế thêm nước sôi cho chín và nhào nặn tạo thành hình thì được đem đi chiên trong dầu. Một số loại bánh gạo chiên như Hwajeon (화전), Bukkumi (부꾸미), Juak (주악), Umeki (우메기)…
Bánh gạo Hàn Quốc Hwajeon
– Bánh gạo luộc, nấu: Bột bánh gạo được chế nước sôi và nhào nặn thành hình rồi đem luộc trong nước nấu sôi, sau cùng được phủ thêm lớp bột tẩm làm dậy thêm mùi vị. Có hai loại điển hình là Gyeongdanryu (경단류) và Danjaryu (단자류).
Bánh gạo Hàn Quốc
>> Xem thêm: Khám phá bức tranh văn hóa ẩm thực đầy màu sắc của Hàn Quốc
Các bạn vừa biết thêm một mảnh nhỏ trong bức tranh ẩm thực truyền thống Hàn Quốc, biết được cách làm bánh tteok Hàn Quốc như thế nào và có biết bao nhiêu loại bánh gạo Hàn Quốc đã được người dân xứ Hàn làm ra. Để học thêm nhiều điều về ngôn ngữ Hàn Quốc và văn hoá Hàn Quốc, đừng ngần ngại mà liên hệ ngay với Phuong Nam Education để có những trải nghiệm học tập thú vị và bổ ích nhất nhé.
Tags: bánh gạo Hàn Quốc, bánh tteok Hàn Quốc, món ăn ngày Tết Hàn Quốc, ẩm thực truyền thống Hàn Quốc, cách làm bánh tteok Hàn Quốc, văn hoá Hàn Quốc, đời sống Hàn Quốc, món ăn Hàn Quốc